Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách người có công

Trục lợi chính sách NCC không chỉ gây thất thoát ngân sách cho Nhà nước mà còn là hành vi làm tổn thương với những NCC với cách mạng, với đất nước. Những năm qua, bên cạnh việc thực hiện đúng, đủ các chính sách ưu đãi đối với NCC thì việc rà soát lại hồ sơ, xác minh thông tin nhằm đưa những trường hợp hưởng không đúng, làm giả hồ sơ để hưởng chế độ ra khỏi danh sách nhận ưu đãi của Nhà nước là việc làm vô cùng cần thiết.

 

 
Các công dân đến gặp trực tiếp Bộ trưởng và các đơn vị liên quan tại Bộ LĐ- TBXH
Hồ sơ giả hưởng chính sách thật
Tính đến ngày 31/12/2017, số người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng là gần 1,4 triệu và hơn 500.000 thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng với tổng kinh phí khoảng 29.000 tỷ đồng/năm. 
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là một vấn đề có tính chất lịch sử, những đóng góp của họ cho đất nước đã diễn ra cách đây nhiều thập kỷ, trong điều kiện chiến tranh, đến nay hồ sơ, giấy tờ bị thất lạc, thiếu chứng cứ để giải quyết, vì vậy, việc xác nhận người có công với cách mạng sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Mặt khác, bên cạnh những trường hợp xứng đáng được Nhà nước và nhân dân tôn vinh, chăm sóc, đã có không ít đối tượng lợi dụng những kẽ hở của cơ chế chính sách để làm giả giấy tờ, khai man hồ sơ thụ hưởng trợ cấp ưu đãi trái pháp luật của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội.
Trước thực tế đó, để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Ngành về lĩnh vực Người có công, trong những năm qua, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, ưu tiên lựa chọn nội dung thanh tra trọng tâm là việc thực hiện chính sách đối với hai nhóm đối tượng là thương binh và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Theo nhận định của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đây là những nhóm đối tượng dễ xảy ra sai sót trong quá trình xác nhận hồ sơ.  
Sau khi kết thúc thanh tra chuyên đề về xác lập hồ sơ thương binh tại các quân khu, từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Thanh tra Bộ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trên toàn quốc đến hết năm 2020 phải tiến hành thanh tra toàn bộ số hồ sơ đang hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học.
Cụ thể, tại Thanh tra Bộ, qua thanh tra ở 11 địa phương, gồm: Thái Nguyên, Quảng Trị, Sơn La, Bắc Giang, Nam Định, Quảng Nam, Gia Lai, Khánh Hòa, Bình Dương, Lào Cai, Bình Định và Bình Phước, tổng số 53.718 hồ sơ được kiểm tra, phát hiện 650 hồ sơ không đủ điều kiện hưởng chế độ, phải đình chỉ trợ cấp và yêu cầu nộp trả ngân sách Nhà nước số tiền 63,718 tỉ đồng; 2.711 hồ sơ được Hội đồng giám định y khoa tỉnh kết luận sai tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học phải điều chỉnh mức trợ cấp. 
Tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương đã tiến hành tự thanh tra, kiểm tra, rà soát tổng số 67.657 hồ sơ, phát hiện 786 hồ sơ không đủ điều kiện hưởng chế độ phải đình chỉ trợ cấp và yêu cầu nộp trả ngân sách Nhà nước số tiền là 67,489 tỉ đồng.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ giải quyết dứt điểm phản anh của công dân

Những vấn đề nổi cộm trong việc phát hiện hồ sơ giả 

Điều đáng nói là trong số những hồ sơ sai sót đều do Hội đồng giám định y khoa kết luận bệnh và xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể không đúng quy định, đối tượng hưởng chế độ trên cơ sở sinh con dị dạng, dị tật nhưng thực tế xác minh không có con dị dạng, dị tật, không có giấy tờ chứng minh hoặc giả mạo giấy tờ chứng minh thời gian tham gia tại vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh Việt Nam.
Theo kết quả thanh tra, rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC cho thấy, để có những bộ hồ sơ NCC giả, bắt đầu từ người khai không trung thực được “hợp thức hóa” bằng xác nhận của chính quyền địa phương, bằng những huân, huy chương “đi mượn”, giấy chứng nhận thương tật được “chạy mà có”
Cụ thể, có nhiều đối tượng sử dụng giấy tờ chứng minh thời gian tham gia kháng chiến (từ tháng 8/1968 đến 30/4/1975 tại các vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam) không hợp pháp: tẩy xóa, sửa chữa, viết thêm địa bàn hoạt động hoặc sử dụng giấy tờ giả. 
Về sai phạm liên quan đến kết quả khám, giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hoá học tại một số Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, như: Khám, giám định thêm bệnh, tật của đối tượng (so với bệnh, tật đã được ghi trong giấy giới thiệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giấy xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã, cấp huyện) để kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động của đối tượng không đúng quy định; Kết luận đối tượng mắc bệnh liên quan đến phơi nhiễm CĐHH nhưng Hội đồng GĐYK chưa xem xét tính chính xác của hồ sơ điều trị hoặc chưa thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cận lâm sàng; Kết luận đối tượng mắc bệnh hoặc dị dạng, dị tật không đảm bảo cơ sở pháp lý; Hội đồng giám định y khoa họp không đúng thành phần hoặc thiếu thành phần theo quy định; Việc khám, giám định và kết luận đối tượng bị mắc bệnh rối loạn tâm thần ( ký hiệu mã bệnh là F06.6) chưa chặt chẽ: Việc khám, giám định và kết luận đối tượng mắc bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính chưa đảm bảo về chuyên môn.

Chặn kẽ hở trục lợi chính sách

Để việc thực hiện chính sách đảm bảo công bằng, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo:  
- Đối với công tác thanh tra, kiểm tra: Triển khai đồng bộ, toàn quốc, đảm bảo đến hết năm 2020, 100% số hồ sơ đối tượng hưởng chế độ chất độc hoá học phải được thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; đối với những vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra sẽ chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định. Những địa phương tự thanh tra, kiểm tra nếu chất lượng thấp, Thanh tra Bộ sẽ tiến hành thanh tra lại và xử lý theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng
-  Đối với các cơ quan đơn vị có liên quan:
+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương, khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng chính sách do các cơ quan có thẩm quyền chuyển đến cần phải kiểm tra chặt chẽ; kịp thời phát hiện, xử lý đối với hồ sơ không đảm bảo quy định; kịp thời xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách người có công với cách mạng.
+ Đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn Sở Y tế và Hội đồng giám định y khoa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh công tác khám, giám định đối với người có công với cách mạng (đặc biệt là đối tượng hưởng chế độ chất độc hoá học) đảm bảo chặt chẽ về chuyên môn và đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện khám, giám định y khoa.
+ Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành liên quan và các cấp chính quyền địa phương có biện pháp thu hồi dứt điểm số tiền đối tượng đã hưởng sai quy định được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra.
+ Phối hợp với Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo trong thực hiện chính sách người có công không để phát sinh “điểm nóng”. Tập trung điều tra, xử lý hình sự một số vụ án trọng điểm, xác định đối tượng liên quan trong cơ quan nhà nước nhằm răn đe, ngăn chặn, phòng ngừa.
+ Đề cao sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các cấp, người dân và cơ quan báo chí, công khai minh bạch khi xét duyệt hồ sơ người có công./.