Thành lập tháng 10/2010, hoạt động chủ yếu của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam như: Tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sĩ và gia đình liệt sĩ; hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tiếp cận, thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước; thu thập thông tin, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn thất lạc hoặc chưa xác định được danh tính bằng thực chứng và giám định ADN; tham gia nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước về các chính sách và giải pháp thực hiện chế độ, chính sách đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ.
Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cho biết, từ cuối năm 2011, Hội đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực trạng về thân nhân liệt sĩ. Từ năm 2012 đến nay, Hội đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Cổng thông tin điện tử nhân đạo 1400 tổ chức 9 chương trình nhắn tin tri ân liệt sĩ nhằm tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là giới trẻ về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc; đồng thời vận động xã hội ủng hộ Quỹ tri ân liệt sĩ của Hội. Đến nay đã có gần nửa triệu tin nhắn tri ân liệt sĩ được tiếp nhận với trên 5 tỷ đồng hỗ trợ giám định ADN và hỗ trợ các gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Năm 2020, tổng giá trị tri ân liệt sĩ của Hội đã đạt trên 20 tỷ đồng.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Hội đã nỗ lực kết nối, cung cấp thông tin về liệt sĩ, xét nghiệm ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, vận động, huy động các nguồn lực giúp đỡ gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó Hội đã kịp thời thông báo thông tin của hơn 120.000 liệt sĩ qua các phương tiện truyền thông, giúp các cơ quan, đơn vị chức năng, các gia đình có thêm nguồn dữ liệu về liệt sĩ; tiếp nhận gần 38.000 hồ sơ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ; hỗ trợ tìm kiếm và di chuyển hơn 500 hài cốt liệt sĩ từ các tỉnh khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long về quê hương. Đặc biệt, Hội đã hỗ trợ hơn 200 gia đình xác định chính xác hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; phối hợp giám định ADN xác định danh tính hơn 300 hài cốt liệt sĩ…
Cũng trong giai đoạn này, toàn Hội đã hỗ trợ xây dựng hơn 600 nhà tình nghĩa, tặng hơn 700 sổ tiết kiệm; hơn 24.000 suất quà tới các gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước… với tổng kinh phí là hơn 50 tỷ đồng.Năm 2020 là năm có nhiều khó khăn, tác động tới hoạt động tri ân liệt sĩ và các hoạt động của Hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiên tai, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung, nhưng cũng là năm có ý nghĩa quan trọng kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Hội. Hội đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về các hoạt động tri ân liệt sĩ. Chương trình nhắn tin tri ân liệt sĩ đạt trên 53.000 lượt với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Số tiền vận động thông qua tổ chức các sự kiện đạt gần 2 tỷ đồng.
Ben cạnh đó, Hội cũng đã tư vấn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cho 2.144 trường hợp, thông báo danh sách 72.000 liệt sĩ trên các phương tiện thông tin đại chúng; thụ lý 293 hồ sơ liệt sĩ. Đã tổ chức các chuyến đi miền Trung lấy gần 70 mẫu hài cốt liệt sĩ theo nhóm mộ để gửi đi giám định ADN, xác định danh tính liệt sĩ. Tìm kiếm và quy tập 103 hài cốt liệt sĩ về quê hương tại các tỉnh, thành trong cả nước. Đã hỗ trợ xây mới 47 nhà tình nghĩa, tặng 407 sổ tiết kiệm, 118 suất học bổng, 5.558 suất quà cho gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao các tổ chức hội trong cả nước đã có nhiều cố gắng đạt được chỉ tiêu đề ra góp phần quan trọng trong các hoạt động tri ân liệt sĩ và giúp đỡ đồng bào miền Trung, giúp đỡ nhân dân trong khó khăn do dịch Covid-19. Đặc biệt, trong dịp bão lũ miền Trung năm 2020, Hội đã cùng Quân khu 4 kịp thời thăm viếng và tặng 35 sổ tiết kiệm tới gia đình các liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vùng bão lũ. Hội và các tổ chức hội cũng quyên góp ủng hộ hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men trị giá hơn 2 tỷ đồng. Tổng trị giá tri ân liệt sĩ của Hội và các tổ chức hội năm 2020 đạt trên 20 tỷ đồng.
Năm 2021, triển khai các hoạt động tri ân nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, đoàn công tác của Hội đã tới trao quà cho mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân gia đình liệt sĩ tại Quảng Nam với 10 sổ tiết kiệm, 70 suất quà tới các Mẹ Việt Nam anh hùng; trao tặng quà cho thân nhân các gia đình liệt sĩ tại Chi hội thị xã Sơn Tây; tổ chức dâng hương, hoa tại: Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9, Truông Bồn, Ngã Ba Đồng Lộc, Hang Tám Cô, Thành Cổ Quảng Trị, di tích sông Thạch Hãn… Phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị trao 10 sổ tiết kiệm, 17 xe lăn cho các gia đình liệt sĩ và người khuyết tật với tổng giá trị 77 triệu 100 nghìn đồng…
Chương trình nhắn tin "Tri ân liệt sĩ - 2021" được phát động từ ngày 1/6 đến ngày 28/06/2021 đã có 24.135 tin nhắn với hơn 482 triệu đồng. Chương trình vẫn tiếp tục đến hết ngày 31/7 và toàn bộ số tiền qua nhắn tin sẽ được sử dụng vào việc giám định ADN, xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin; tặng sổ tiết kiệm, nhà tình nghĩa, tặng quà cho các gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng còn khó khăn. Đồng thời, thông qua chiến dịch góp phần tuyên truyền đến đồng bào và chiến sĩ cả nước tiếp tục sự sẻ chia và thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc.
Trung tướng Lê Văn Hân cho biết, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phấn đấu hỗ trợ giám định ADN xác định danh tính hơn 500 hài cốt liệt sĩ; tặng khoảng 300 - 500 nhà tình nghĩa, khoảng 500 - 1.000 sổ tiết kiệm cho thân nhân liệt sĩ, 200 - 400 suất học bổng và 10.000 - 20.000 suất quà tới các gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; phối hợp tổ chức khám chữa bệnh miễn phí trên 10.000 lượt người là đối tượng người có công với cách mạng. Đồng thời, phấn đấu mỗi năm toàn bộ mạng lưới Hội huy động được trên 10 - 15 tỷ đồng cho các hoạt động tri ân liệt sĩ.
Tại Đại hội Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam lần thứ 3 nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà đã đề nghị Hội tích cực tham gia giám sát, kịp thời phát hiện những trường hợp thuộc diện chính sách người có công còn tồn sót để phối hợp hướng dẫn kê khai, bổ sung hoàn thiện hồ sơ giúp người có công được thụ hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Nhà nước; tiếp tục đề xuất chế độ, chính sách với người có công với cách mạng, đặc biệt là với thân nhân liệt sĩ; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ phục vụ công tác giám định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ thân nhân liệt sĩ trong tìm kiếm thông tin và xác định hài cốt liệt sĩ; thực hiện tốt công tác tri ân đối với gia đình liệt sĩ...