Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Giá trị căn cốt làm nên truyền thống Ngày Thương binh - Liệt sĩ

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, đó là truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Qua đó phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn.

Nêu cao tấm lòng hiếu nghĩa của Bác Hồ

Sinh thời, từ lúc còn trẻ, Nguyễn Tất Thành đã rất coi trọng chữ hiếu, không phải chữ hiếu của Nho giáo mà là đại hiếu như câu nói của cụ Nguyễn Phi Khanh nói với Nguyễn Trãi: “Con về lập chí, rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, như thế mới là đại hiếu”.

Có lẽ ở các bậc vĩ nhân có những tư tưởng tương đồng khi cha con cụ Nguyễn Sinh Huy tiễn biệt nhau cũng có những lời của tấm lòng đại hiếu: “Đừng! Con đừng gọi cha lúc này! Con phải gọi Tổ quốc! Đồng bào! Đi…đi con” (Sơn Tùng - Búp sen xanh). Không có người cha yêu nước Nguyễn Sinh Huy sẽ không có người con chí hiếu yêu nước Nguyễn Tất Thành! 

thắp nến 3.jpg
- Tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ là truyền thống hiếu nghĩa quý báu của dân tộc Việt Nam đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc.

 

Khi giữ trọng trách Chủ tịch nước, Bác Hồ càng chú trọng dùng nhiều đến chữ hiếu để giáo dục cán bộ.

Từ Ngày Thương binh - Liệt sĩ đầu tiên đến khi qua đời, Bác Hồ đã viết tới 25 bức thư động viên thăm hỏi thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, thể hiện tình thương yêu con người sâu sắc, bao la, khắc sâu một tấm lòng hiếu nghĩa, nhân hậu, chăm lo, trân trọng đối với những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, vì đồng bào. 

Đồng thời, Bác chỉ đạo các cấp, ngành phải thường xuyên chăm lo công tác “Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn”. Đó là tình cảm đặc biệt được kết tinh thành nhân cách hiếu nghĩa, đạo đức Hồ Chí Minh. 

Bức thư đầu tiên của Bác Hồ gửi Ban thường trực của Ban tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc và ghi nhận sự ra đời ngày thương binh toàn quốc.

Thư Bác viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành thương binh”.

Trong một bức thư khác nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bác viết tràn đầy tình thương yêu và đau xót: “Khi ngoại xâm ào ạt đến, nó như một trận lụt to. Nó sẽ đe doạ tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con của dân ta.

Trước cơn nguy biến ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta đã dũng cảm xông ra trước mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức thành đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh gia đình và tài sản của họ để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của chúng ta”.  

Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó chịu ốm yếu…

Hiện cả nước có trên 9,2 triệu người có công với cách mạng; trong đó, gần 1,2 triệu liệt sĩ (200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy, 300.000 liệt sĩ đã được quy tập nhưng chưa có tên); gần 500.000 thân nhân liệt sĩ; có gần 140.000 mẹ Việt Nam anh hùng; gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh... 

Ngay sau ngày Thủ đô được giải phóng, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến đặt vòng hoa trước đài liệt sĩ mới được dựng trên Quảng trường Ba Đình, với lời diễn từ của Người đau thương và xúc động:

“Hỡi các liệt sĩ! Trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời truyền với sử xanh. Một nén hương thanh. Vài lời an ủi…”.

Đó là tấm lòng hiếu nghĩa của Bác, cũng là tấm lòng hiếu nghĩa của đồng bào cả nước đối với những người con trung hiếu với Tổ quốc, với nhân dân. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, hiếu nghĩa, phải giúp đỡ những con người anh hùng ấy…

Thực hành Đạo Hiếu, đền ơn đáp nghĩa  

Đất nước hòa bình, gia đình hạnh phúc, mỗi người dân Việt Nam luôn tạc dạ “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, chúng ta ngày nay đang tích cực làm tròn Đạo Hiếu với những người đã hy sinh vì dân, vì nước. 

Bảy mươi bảy năm qua, kể từ Ngày Thương binh - Liệt sĩ đầu tiên, đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp, tổ chức nhiều hoạt động để toàn dân được thực hiện “Đền ơn đáp nghĩa” như:

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Pháp lệnh về phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng; thực hiện đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; phát động các phong trào về chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, đỡ đầu, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho đối tượng người có công, bố trí giải quyết việc làm cho vợ, con liệt sĩ;

Ưu đãi trong chính sách giáo dục, tặng sổ tiết kiệm, BHYT, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, cho vay vốn, hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công; đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công. Xây dựng, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ…

Các hoạt động đã được triển khai trong toàn xã hội, từ cấp Trung ương đến các cấp chính quyền, đoàn thể, hiệp hội ở địa phương. Từng địa phương đã có nhiều hoạt động phong phú và hiệu quả. 

Cùng với việc thực hiện chính sách tiền lương mới cho công chức, viên chức và điều chỉnh lương hưu, Chính phủ đã ban hành một loạt chế độ tăng lương, tăng phụ cấp, trợ cấp để đảm bảo tốt hơn đời sống người có công.

Trong dịp này, Chủ tịch nước cũng đã quyết định chi ngân sách gần 420 tỷ đồng tặng quà cho 1.371.586 người thuộc các đối tượng chính sách với 2 mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Không thể kể hết những cách làm hay, những hành động thật sự ý nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” của hơn  90 triệu người dân đất Việt hiểu sâu sắc ý nghĩa, ân tình những giọt máu của gần 2 triệu liệt sĩ, thương binh đã thấm vào lòng đất Việt, Lào, Campuchia… trong 77 năm qua...

Học tập tư tưởng đạo đức phong cách của Bác chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đem lại hạnh phúc tốt hơn cho người có công, là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng đối với quá khứ hào hùng của dân tộc và tương lai tươi sáng của các thế hệ mai sau, cũng là Đạo Hiếu của mỗi người tri ân công lao to lớn của Bác Hồ.

Trần Công Huyền 

Báo Lao động và Xã hội số kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ