Xác định danh tính liệt sĩ là điều day dứt, đau lòng nhất
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Duy Vượt, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai liên quan đến việc tìm kiếm, xác định danh tính hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ nằm rải rác chưa được quy tập và trên 300.000 hài cốt đã quy tập nhưng chưa rõ danh tính.
“Đây chính là điều day dứt, đau lòng nhất của chúng ta. Chúng tôi coi đây là việc đặc biệt quan tâm, hứa với QH cố gắng phấn đấu càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt vì chiến tranh đã qua lâu, nếu lâu sẽ không còn cơ hội tìm thấy hài cốt nữa”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạn và cho biết, trong số 200.000 liệt sĩ chưa được tìm thấy, tập trung nhiều ở Hà Giang, miền Trung, miền Nam và các nước bạn Lào, Campuchia... Mới đây Thủ tướng cũng đặc biệt quan tâm, đã trực tiếp chủ trì một cuộc họp, quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia 1237 tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do một Phó thủ tướng làm trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH làm phó ban”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thêm. Hiện vẫn có 20 đội quy tập chuyên nghiệp do lực lượng quân đội chủ trì, làm việc thường xuyên, phối hợp với nhân dân và nước bạn để tìm kiếm. Từ đầu năm đến nay đã quy tập được hơn 8.000 liệt sĩ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trước UBTVQH (cùng dự phiên chất vấn có Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam) Ảnh: Thái Bình
Về xác định danh tính liệt sĩ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết vẫn đang thực hiện theo đề án xác định danh tính hài cốt còn thiếu thông tin (Đề án 150).“Theo đề án này, chúng tôi đang thực hiện nhiều giải pháp để xác định, trong đó giải pháp chính là xác định gen. Năm qua đã trả lại tên cho hơn 3.200 liệt sĩ và đưa về các gia đình.Tuy nhiên để xác định được con số trên đã phải xét nghiệm trên 12.000 mẫu sinh phẩm liệt sĩ và chừng ấy mẫu tương đương của gia đình.“Hiện Chính phủ đang giao 3 đơn vị chuyên xét nghiệm gen là quân đội, công an và Viện Hàn lâm khoa học công nghệ. Tới đây dự kiến cho phép thêm Bộ Y tế và một số cơ sở khác, nâng thành 6 cơ sở để mở rộng tìm kiếm lâu dài. Chúng tôi cũng đã báo cáo Chính phủ xin lập ngân hàng gen để lưu lại những mẫu đã xét nghiệm và những mẫu sắp tới để lưu lại, khi đó gia đình có thể chủ động tự lấy mẫu để đối chiếu” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thêm.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương), Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam về giải quyết chính sách tồn đọng đối với thanh niên xung phong, Bộ trưởng cho biết, việc đề ra và thực thi chính sách đối với thanh niên xung phong, Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để xây dựng chính sách. Việc giải quyết chính sách còn tồn đọng đối với thanh niên xung phong được Bộ LĐ-TB&XH quan tâm đặc biệt. Thời gian qua, hàng vạn thanh niên xung phong đã được công nhận là thương binh, liệt sĩ,... thân nhân của các đối tượng này đã được hưởng chính sách của nhà nước.
Thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với Hội Thanh niên xung phong rà soát đánh giá tổng thể, thống nhất về số liệu đối tượng chính sách; tập trung giải quyết dứt điểm, chính xác các hồ sơ đang còn tồn đọng. Trước mắt sẽ chọn hai địa phương có số hồ sơ lớn là Thanh Hóa và Quảng Nam để thực hiện ngay.
Về thực hiện chính sách đối với người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay, toàn quốc đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công, trong đó có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Năm 2014, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Kết quả tổng rà soát cho thấy, trong số hơn 2 triệu đối tượng được rà soát thì số đã hưởng đầy đủ chế độ chiếm 95,75%; số kê khai hưởng chưa đầy đủ chiếm 4,16% và số phát hiện hưởng sai chính sách gần 1.900 trường hợp (chiếm 0,09%).
Kết quả tổng rà soát cũng cho thấy, hiện vẫn còn khoảng 28.500 trường hợp tự kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách. “Khó khăn lớn nhất hiện nay là đối tượng lập hồ sơ kê khai là người có công nhưng không có giấy tờ, căn cứ chứng minh, đặc biệt là hồ sơ liệt sĩ, thương binh, người bị địch bắt tù, đày. Bộ LĐ-TB&XH xác định công tác giải quyết tồn đọng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, cần ưu tiên tập trung thực hiện”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh và cho biết, về giải quyết hồ sơ chính sách còn tồn đọng, trước mắt, trong năm 2017, Bộ sẽ tập trung giải quyết 5.900 hồ sơ đã kê khai đề nghị công nhận là liệt sĩ, thương binh, hưởng chính sách như thương binh,...
Bên cạnh những vấn đề vĩ mô, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhận được những câu hỏi khá cụ thể ở từng địa phương. Trả lời câu hỏi của một đại biểu về việc áp dụng chính sách đối với một trường hợp nhiễm chất độc hóa học ở Quảng Ngãi, Bộ trưởng khẳng định, trường hợp đó địa phương đã áp dụng quy định quá cứng nhắc, Bộ đã làm việc với tỉnh và trong tháng 4 sẽ giải quyết xong chế độ cho trường hợp này.
Cần sự phối hợp giữa ngành Lao động và Công an trong quản lý học viên cai nghiện
Toàn cảnh phiên trả lời chất vấn (Ảnh; Thái Bình)
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) về tình trạng học viên cai nghiện trốn trại. nguyên nhân và giải pháp khắc phục?”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện cả nước có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 10.617 người so với cùng kỳ năm 2015.Ngoài heroin, xuất hiện nhiều ma tuý rất khác biệt, tính chất phức tạp, nhiều nước trên thế giới đang loay hoay khắc phục.Đặc điểm chung của ma tuý, đặc biệt ma tuý đá là dễ dẫn đến rối loạn tinh thần, ảo giác và rối loạn hành vi nghiêm trọng. Tổng kết của ngành công an, có 60% tội phạm do ma tuý, thuộc giới trẻ. Khoảng 60.000 người đang được cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện. Cai nghiện bắt buộc theo quyết định của toà án là 17.488 học viên...
Nói về lý do trốn trại cai nghiện, theo Bộ trưởng là do một số nơi thực hiện không đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ. "Có hiện tượng nhiều địa phương vì trong sạch địa bàn, đã tìm cách đưa tất cả các em sử dụng ma tuý hay nghiện ma tuý vào trại cai nghiện mà đáng ra chúng ta phải phân biệt người nghiện khác với người sử dụng, người lạm dụng", Bộ trưởng Dung nói và cho biết chính vì vậy dẫn đến quá tải các cơ sở cai nghiện, như ở Đồng Nai, chỉ có thể là nơi học tập, nuôi dưỡng khoảng 500-600 em nhưng đưa hơn 1.400 em vào. Trong khi cơ sở vật chất cũ kỹ, hầu như tận dụng từ thời chế độ cũ để lại, điều kiện ăn ở không đảm bảo dẫn đến sự bức bối cho các học viên”
Thêm vào đó quá trình thực hiện cai nghiện bắt buộc phải phân biệt giai đoạn ban đầu và giai đoạn cai bắt buộc, giai đoạn sau cai. Nhưng do cơ sở vật chất thiếu các học viên được cho ở chung tất cả với nhau khiến những người trong diện cai nghiện bắt buộc dễ lôi kéo, tác động lẫn nhau. Bên cạnh đó, hầu như ở các cơ sở cai nghiện tối thiểu có 35-45% các em đã có tiền án tiền sự, số này tâm lý thường hay quá khích, xúi giục, lôi kéo học viên vượt ra ngoài. Trong khi đó, nếu có phá trại vượt ra ngoài thì chế tài xử lý của ta không có gì ngoài việc cơ sở phải có trách nhiệm vận động các em quay trở lại.
Một nguyên nhân quan trọng nữa theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là đội ngũ cán bộ ở cơ sở cai nghiện rất mỏng, rất khó khăn. "Bình quân 1 cán bộ có trách nhiệm phục vụ tối thiểu 10 học viên, trong khi cán bộ tuyển không được. Ở Đồng Nai cần tuyển thêm 20 cán bộ, nhưng đăng tuyển không được người nào. Trong khi lương cán bộ chỉ hơn 2 triệu trong khi phải đối mặt với bao khó khăn, nguy hiểm rình rập”- Bộ trưởng nêu khó khăn và cho biết, ở cơ sở cai nghiện đối tượng phức tạp như vậy nhưng cán bộ không được trang bị bất cứ vũ khí, công cụ gì để đảm bảo an toàn cho chính mình.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ LĐ-TB&XH là một bộ dân sự nhưng lại được giao quản lý đói tượng cai nghiên, rất phức tạp. Mặc dù có sự phối hợp với các Bộ ngành khác như Bộ công An nhưng mới chỉ phối hợp bên ngoài, còn từ cổng vào đến trung tâm cai nghiện là hoàn toàn giao cho Bộ, do đó, việc quản lý là rất khó khăn. “Kinh nghiệm khi chúng tôi đi thực tế các địa phương cho thấy, nơi nào có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Lao động và công an thì nơi đó quản lý học viên cai nghiện rất tốt, không có sự cố xảy ra”
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng,” Thời gian cai nghiện ma túy 24 tháng như hiện nay là quá dài, chưa kể thời gian sau cai, do vậy, chúng tôi cũng kiến nghị Thường vụ Quốc hội xem xét vấn đề này”.
Nói về giải pháp trong thời tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, cần nâng cao nhận thức sâu sắc về tội phạm ma tuý, toàn dân phải chung tay đấu tranh phòng chống ma tuý. Tập trung thực hiện 3 giảm: cung, cầu, tác hại; bố trí đầy đủ kinh phí để thực hiện tốt công tác cai nghiện tại địa phương và tăng cường công tác cán bộ quản lý học viên cai nghiện. Với những vấn đề còn vướng mắc, Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ tập trung sửa đổi chính sách, nếu chưa sửa có nghị quyết điều chỉnh một số vướng mắc vừa qua.
Thực hiện 3 giải pháp đột phá trong giáo dục nghề nghiệp
Trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau khi nhận chuyển giao từ Bộ GD&ĐT, từ tháng 1/2017, Bộ LĐ-TB&XH đã chính thức bắt tay thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Bộ tập trung sửa đổi thể chế, ban hành 37 văn bản khác nhau về giáo dục nghề nghiệp,...
Về giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bộ LĐ-TB&XH đã đề ra 10 giải pháp cơ bản gồm: Xây dựng các chuẩn trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; Tăng cường tự chủ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Đổi mới chương trình và tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả đào tạo; Phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; Thực hiện chuẩn hóa, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và các nguồn lực đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Tăng cường quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp; Phát triển hệ thống quản lý chất lượng giáo dục nghề nghiệp ; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp; Nâng cao hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông; tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp và hoạt động khởi nghiệp
Theo Bộ trưởng, để thực hiện mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, cần phải thực hiện đồng bộ 10 giải pháp, trong đó có 3 giải pháp đột phá, thứ nhất là xây dựng các chuẩn trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; Thứ hai là tăng cường tự chủ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục nghề nghiệp;. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. “Bước đầu 3 trường đã thí điểm giao tự chủ, 5 trường liên kết doanh nghiệp với cam kết nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp. Hiện nay cũng đã có 6 trường cam kết sinh viên ra trường nếu không có việc làm thì trường sẽ hoàn lại toàn bộ chi phí đào tạo cho các em. Với những giải pháp như vậy, hy vọng sẽ tạo ra chuyển động mới trong giáo dục nghê nghiệp”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với các đại biểu Quốc hội bên lề phiên chất vấn (Ảnh: Thái Bình)
Về quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng cho biết, bên cạnh những việc đã làm được còn tình hình xây dựng cơ sở đào tạo không gắn với thị trường dẫn tới cơ sở đào tạo "đắp chiếu", lãng phí; thiết bị mua nhưng không sử dụng hoặc hiệu quả sử dụng thấp; nhiều nghề được đầu tư không tuyển sinh được... Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ đang triển khai rà soát, đánh giá tổng thể mạng lưới đào tạo nghề; không lập mới các cơ sở công lập không cam kết tự chủ (trừ những nơi trọng điểm); khuyến khích các cơ sở đào tạo tư thục; sắp xếp lại các trung tâm ở cấp huyện (dạy nghề, giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp tổng hợp) để tận dụng tối đa công suất phù hợp với địa phương; xử lý các cơ sở đào tạo yếu kém; đào tạo nghề cho khu vực nông thôn phù hợp với thực tế địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời khắc phục các hạn chế, sai phạm; phát huy vài trò chủ động của các cơ quan chủ quản...
Về giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho thanh niên khu vực nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng cho biết, kinh phí đào tạo nghề sẽ được tích hợp với kinh phí chương trình xây dựng Nông thôn mới, theo nguyên tắc chỉ đào tạo nghề với dự báo được mức độ thu nhập và khả năng có việc làm của người lao động, gắn chặt kế hoạch đào tạo nghề với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương....