Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Hải Phòng: Đảm bảo 100% người có công được hưởng chế độ về nhà ở

(Dân sinh) - Tính đến thời điểm này, TP Hải Phòng đã thực hiện hỗ trợ 9.894/12.3374 gia đình xây mới, sửa chữa nhà ở theo Quyết định số 22 của Chính phủ. Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 32 của HĐND thành phố về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với gia đình người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố Hải Phòng, Hải Phòng được Chính phủ ghi nhận, biểu dương trong thực hiện Quyết định số 22 của Chính phủ nhờ việc chủ động ứng ngân sách của thành phố để thực hiện chính sách này.

Tại cuộc họp nghe báo cáo về việc triển khai thực hiện hỗ trợ đối với người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố theo Quyết định 22/2013 của Chính phủ và Nghị quyết 32/2018 của HĐND thành phố Hải Phòng diễn ra đầu tháng 9/2019, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Xuân Bình yêu cầu trong tháng 9/2019, Sở Xây dựng, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành liên quan và chủ tịch UBND các quận, huyện rà soát cụ thể, chính xác những người thuộc diện thụ hưởng, hoàn thành phê duyệt đối với những trường hợp chưa được hưởng chế độ. "Quyết tâm của thành phố không để sót gia đình chính sách không được nhận hỗ trợ theo Quyết định 22; địa phương nào để xảy ra tình trạng sót lọt thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND thành phố. Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố yêu cầu các ngành, địa phương kiểm tra, đánh giá, rà soát lại việc thực hiện Quyết định 22 trên thực tế, đề xuất những khó khăn, vướng mắc phát sinh gửi Văn phòng UBND thành phố tổng hợp lại trước ngày 30/9", ông Bình nhấn mạnh.

Hải Phòng: Đảm bảo 100% người có công được hưởng chế độ về nhà ở - Ảnh 1.

UBND quận Hồng Bàng (Hải Phòng) khởi công xây dựng nhà ông Nguyễn Văn Huy, có công với cách mạng tại phường Thượng Lý (Hải Phòng)- Ảnh Minh Lý

Đối với việc thực hiện Nghị quyết 32 của HĐND thành phố, tính đến ngày 5/9, các quận, huyện trên địa bàn thành phố hỗ trợ gần 50 tỷ đồng tiền mặt, hơn 1,6 nghìn tấn xi măng và hơn 4,6 triệu viên gạch chỉ cho hơn 2,5 nghìn gia đình người có công. Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Xuân Bình đề nghị Sở Xây dựng, Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội, UBND các quận, huyện rà soát lại danh sách người có công được thụ hưởng chế độ, kiểm điểm lại việc triển khai hợp đồng cung ứng gạch, xi măng để bảo đảm tiến độ, chất lượng, thuận tiện cho các hộ chính sách, đảm bảo đúng kế hoạch đề ra.

Theo Nghị quyết số 32/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với gia đình người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố Hải Phòng sẽ phấn đấu 100%  gia đình người có công với cách mạng đủ điều kiện được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ đều được thực hiện việc xây mới, sửa chữa nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích nhà ở và tiêu chí 3 cứng (nền cứng, khung – tường cứng, mái cứng) sau khi áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ này của thành phố, góp phần thực hiện chủ trương đi trước một bước trong công tác chăm lo đời sống người có công.

Cơ chế hỗ trợ được thực hiện hàng năm, bắt đầu từ năm 2019. Sau khi được hỗ trợ xây mới, sửa chữa, các gia đình đảm bảo có nhà ở có diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 (riêng hộ độc thân không thấp hơn 24m2) và đảm bảo tiêu chí "3 cứng". Quy trình thực hiện sẽ có 4 bước, theo đó, hàng năm, căn cứ khả năng bố trí ngân sách của thành phố phân bổ cho các địa phương, rà soát, tổng hợp, thẩm định, quyết định phê duyệt danh sách gia đình người có công với cách mạng được hỗ trợ, trên cơ sở đó xác định kinh phí, khối lượng xi măng và gạch thực tế cần hỗ trợ cả năm trên địa bàn thành phố. Từ đó, tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung xi măng, gạch phục vụ nhu cầu hỗ trợ trên địa bàn thành phố với điều kiện nhà thầu giao sản phẩm tại gia đình được hỗ trợ. Sau đó, tổ chức giao nhận vật tư hỗ trợ cho gia đình theo đề nghị của chính quyền địa phương. Cuối cùng, đối chiếu thanh quyết toán theo thực tế sử dụng vào công trình.

UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu UBND các xã, phường, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã để chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết; thực hiện khảo sát; chịu trách nhiệm cam kết về số gia đình người có công với cách mạng có nhu cầu hỗ trợ để phối hợp chuẩn bị vật liệu bàn giao cho các gia đình; chịu trách nhiệm giám sát đối tượng thụ hưởng hỗ trợ, nghiêm cấm bán vật liệu ra ngoài thị trường hoặc bên thứ ba.

UBND các quận, huyện cũng được yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện; chịu trách nhiệm tính chính xác kết quả thẩm định đối tượng, điều kiện nhà ở, tình trạng hư hỏng về nhà ở đối với gia đình người có công với cách mạng. Hướng dẫn, giám sát các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện Đề án; tăng cường công tác xã hội hóa hỗ trợ thêm đối với gia đình người có công, thân nhân liệt sĩ đặc biệt khó khăn có nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở sau khi có hỗ trợ của thành phố nhưng vẫn khó có khả năng hoàn thành việc cải thiện điều kiện nhà ở theo quy định. Sở Xây dựng thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực giúp Ban chỉ đạo thành phố trong điều hành, hướng dẫn, kiểm tra, báo cáo việc thực hiện Nghị quyết.