Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Hang Tám Cô huyền thoại và con đường tuổi 20

(Dân sinh) - Hang Tám Cô nằm gần Km 0, đường 20 Quyết Thắng là niềm tự hào của lớp lớp thanh niên xung phong, là chứng tích của chiến tranh bi tráng mà nhắc đến ai cũng ngậm ngùi!..

Hiến tuổi xanh cho dân tộc…

Đã có rất nhiều bài báo, kịch thậm chí là phim đã đề cập đến Hang Tám Cô và con đường 20 huyền thoại, nhưng mỗi khi nhắc đến ai cũng ngỡ cuộc ném bom ngày 14-11-1972 bằng B52 tại nơi đây như mới xảy ra. Giờ đây, tuyến đường huyền thoại năm xưa chạy trong vùng rừng được bảo vệ của khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng, thuộc xã Tân Trạch, (Bố Trạch - Quảng Bình).

Ngày 14-11-1972, B.52 ném bom rải thảm tuyến đường 20 từ km 16. Đội thanh niên xung phong (TNXP) 163 của Ban 67 đang ở hiện trường vội vã chạy vào hang đá bên đường trú ẩn. Tiểu đoàn pháo phòng không lập tức tổ chức đánh trả. Cả quãng đường qua Km 16 bị bom cày nát, một loạt bom đã khiến năm chiến sĩ pháo binh hi sinh phía cửa hang và liền ngay sau đó một tiếng ầm khủng khiếp vang lên.

Hang Tám Cô huyền thoại và con đường tuổi 20 - Ảnh 1.

Địa danh lịch sử hang Tám Cô

Tảng đá hàng ngàn tấn trên cửa hang bị sập xuống bịt kín miệng hang. Trong hang có tám TNXP đều cùng quê Hoằng Hóa (Thanh Hóa) là Trần Thị Tơ, Lê Thị Mai, Đỗ Thị Loan, Lê Thị Lương và Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Mậu Kỷ, Hoàng Văn Vụ. Tất cả đều đang tuổi 19-20. Trận bom kinh hoàng vừa kết thúc, phát hiện tiếng kêu cứu của các anh chị em trong hang đá, tất cả các đơn vị có mặt tại hiện trường tập trung trước cửa hang để tìm cách phá đá cứu người nhưng không thể. Những chiếc xe xích tập trung choàng xích để kéo song tảng đá không nhúc nhích.

Có ý kiến đề nghị đánh thuốc nổ phá đá nhưng sợ sức ép làm chết mọi người trong hang. Anh em đã luồn ống ty-ô qua kẽ đá rồi nấu cháo nghiền nát rót qua đường ống để tiếp tế cho anh em cầm cự tìm cách cứu. Nhưng tất cả đều bất lực, chỉ cách nhau một tảng đá, nghe tiếng gọi của nhau mà đành đoạn nhìn cái chết cướp dần từng đồng đội.

Nhiều ngày trời trong hang đá tuyệt vọng và rồi từng chiến sĩ kiệt sức, hi sinh, đến ngày thứ 9 thì không còn ai nghe thấy tiếng gọi thổn thức của các TNXP nữa. Sau này nhiều người kể rằng đến ngày 23-11, tiếng kêu cuối cùng mọi người nghe được là tiếng gọi "Mẹ ơi" của một cô gái. Rồi hang đá thành nấm mộ chung cho tám chiến sĩ TNXP.

Tám người, bốn nam, bốn nữ nhưng tất cả những người trên tuyến đường 20 đều gọi hang đá ấy là Hang Tám Cô. Họ đã nằm ở đó suốt 24 năm cho đến năm 1996, tỉnh Quảng Bình quyết định phá tảng đá lấp cửa hang để đưa hài cốt những liệt sĩ TNXP về quê nhà.

Bây giờ hang đá khi xưa đã được mở lại lòng hang, trước cửa hang có tấm bia ghi tên tuổi của tám thanh niên xung phong và năm chiến sĩ pháo binh đã hi sinh trong buổi chiều 14-11-1972.

Năm 2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trao tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 8 liệt sỹ TNXP để ghi nhận sự hi sinh anh dũng và công lao của các liệt sỹ đối với dân tộc.

Hang Tám Cô huyền thoại và con đường tuổi 20 - Ảnh 2.

Nơi 8 TNXP hy sinh vào ngày14-11-1972

Tri ân mãi đến muôn đời

Những ngày này, chuẩn bị cho kỷ niệm 46 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã có rất nhiều đoàn cựu TNXP và du khách lại tìm về Hang Tám Cô để tri ân những người con đã anh dũng hy sinh trên tuyếnw2 đường 20 huyền thoại. Đặc biệt là những TNXP, họ về đây thăm lại chiến trường xưa và tri ân đồng đội, cùng nhau ngồi dưới cây "Mối tình Trường Sơn" để ôn lại những kỷ niệm năm xưa.

Nước mắt họ lăn dài trên má khi nhắc tới đồng đội cũ, người còn người mất, các bà, các chị khóc cho những đồng đội không được chứng kiến và hát khúc đại khải hoàn ca khi đất nước thống nhất. Những ngày này, Hang Tám Cô luôn luôn nghi ngút khói hương, một điều minh chứng cho truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, sự tri ân thành kính đối với những thế hệ không tiếc tuổi thanh xuân của mình hiến dâng cho độc lập tự do của dân tộc.

Bên cạnh sự hi sinh anh dũng của các TNXP tại Hang Tám Cô có rất nhiều câu chuyện xảy ra mà khó có thể giải thích được. Những câu chuyện này làm cho Hang Tám Cô thêm phần linh thiêng giữa đại ngàn tĩnh mịch. Đầu tiên là chuyện cây chuối rừng mọc ở cửa hang, trổ buồng ra liền 8 nải đúng vào dịp cả nước nô nức kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại. Điều đặc biệt là buồng chuối đã kết ở một con số khó tin ấy là 8 nải, ứng với 8 liệt sĩ đã hi sinh trong hang.

Lạ kỳ hơn ở chỗ, các nải chuối tiếp theo khi đơm quả thì đều héo rũ và rụng xuống, chỉ còn lại 8 nải mập mạp đậu lại trên buồng. Sắp đến ngày kỷ niệm, thân chuối rũ khô nhưng buồng chuối thì vẫn xanh mởn, không chín vàng như vẫn thường thấy. Chứng kiến hiện tượng lạ lùng đó, mọi người bảo, sở dĩ chuối không chín là bởi các o, các anh hy sinh trong hang khi tuổi còn xanh.

Đêm lễ kỷ niệm 62 năm ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại được đông đảo lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khách thập phương về dự. Buổi lễ trang trọng, xúc động, hoành tráng này đã có hàng nghìn khách thập phương về dự.Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị "tổng tư lệnh" đường Trường Sơn năm nào đã bùi ngùi đọc bài diễn văn khai mạc buổi lễ.

Sau bài diễn văn khiến nhiều người rơi nước mắt đó, vị tướng già quay mặt về phía cửa hang xúc động nói: "Giờ phút thiêng liêng này, cho phép tôi được tưởng nhớ đến các đồng đội của tôi, những người còn nằm lại trên rừng Trường Sơn huyền thoại này!". Lời của trung tướng vừa dứt, khi mọi người còn đang im phăng phắc bỏ mũ, cúi đầu tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ thì bất ngờ trong hang, những tiếng "tắc kè, tắc kè" trong vắt, lanh lách cất lên. Khó tin hơn, những âm thanh dứt khoát đều đều đó phát ra đúng 8 lần rồi bặt hẳn.

Còn rất nhiều câu chuyện rất khó giải thích xảy ra ở Hang Tám Cô, tất cả các câu chuyện đó như đưa ta vào một thế giới tâm linh, sự linh thiêng của các TNXP đã ngã xuống trên tuyến đường huyền thoại này.

Thắp một nén hương thành kính nghiêng mình tri ân những vong linh các chiến sỹ và TNXP đã ngã xuống, chúng tôi thầm hứa một ngày không xa sẽ trở lại nơi này để tìm hiểu rõ hơn những năm tháng rực lửa trên tuyến đường này.