2.000 ngày đêm chiến đấu ác liệt
Được biết, mặt trận Vị Xuyên thời điểm cuối năm 1984 - đầu 1985, địch dùng hỏa lực và quân số áp đảo liên tục tấn công hòng chiếm các điểm chốt của ta. Quân và dân ta đã anh dũng bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc với 2.000 ngày đêm chiến đấu ác liệt. Tháng 3/1984, quân tình nguyện VN cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc truy quét lớn quân Khmer Đỏ. Ở biên giới phía Bắc, Trung Quốc ráo riết chuẩn bị lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam.
Trên tuyến biên giới Hà Tuyên, địch tập trung nhiều sư đoàn áp sát Vị Xuyên, Yên Minh. Từ ngày 2 – 27/4/1984, phía Trung Quốc bắn hơn 11.000 viên đạn pháo sang Hà Tuyên. Sáng 28/4/1984 trên hướng Vị Xuyên, chúng bắn gần 12.000 viên đạn pháo chi viện cho bộ binh tiến công các điểm phòng ngự của ta ở phía bắc suối Thanh Thủy. Do tương quan lực lượng quá lớn, cuối ngày 30/4/1984, Trung Quốc đã đẩy bộ đội ta khỏi các điểm cao 1545, 1509, 772, 685, 226, 233 và bình độ 300 - 400. Phía ta, Trung đoàn 122 (thuộc Sư đoàn 313) bị tổn thất nặng, phải lui về phòng ngự ở các vị trí thấp hơn.
Ngày 12/7/1984 là ngày mở đầu chiến dịch mang mật danh "MB-84" với mục đích phản kích để lấy lại các điểm cao bị quân Trung Quốc đánh chiếm. Ngày 12/7/1984 cũng in dấu trong tâm trí mọi cán bộ chiến sĩ mặt trận Vị Xuyên và bây giờ, ngày 12/7 hằng năm được coi là ngày "giỗ trận" chung cho những người đã nằm lại núi đồi Vị Xuyên. Ngày 12/7/1984, quân ta nổ súng tiến công giành lại các chốt bị chiếm đóng.
Tuy đã chiến đấu rất quyết liệt nhưng đợt tiến công của ta đã không thành công. Ác liệt nhất là từ ngày 15 đến 19/1/1985, tại cao điểm 685. Chốt giữ E2 và E5 của 685, trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh chỉ huy 17 tay súng chống trả, đẩy lùi cả tiểu đoàn địch. Có ngày, anh và đồng đội bẻ gãy 8 đợt tấn công của quân xâm lược. Chốt ta giữ vững. Ngày 16/01, Ninh bị thương. Đêm đó, anh dùng lê AK khắc tâm nguyện lên báng súng. Ngày 17/01, Ninh bị thương lần hai. Đồng đội định đưa anh xuống tuyến sau. Nhưng Ninh quyết không rời trận địa, vẫn chỉ huy anh em đánh giặc, giữ chốt. Ngày 18/01, Ninh bị thương lần ba. Rạng sáng ngày 19/01, Nguyễn Viết Ninh hy sinh, tay anh vẫn ghì chặt cây súng với dòng chữ: 'Sống bám đá đánh giặc - Chết hóa đá bất tử'.
Hiện nay, trên ngọn núi cao nhất của Vị Xuyên, được xây dựng Nhà tưởng niệm 468 là nơi để hương hồn các anh về hội tụ, để thế hệ hôm nay và mai sau có chỗ tưởng nhớ, thắp nén hương thơm ghi nhớ công lao của các anh. Đồng thời, đây sẽ là một địa chỉ lịch sử - văn hóa nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho những thế hệ sau.
Nhà tưởng niệm 468 để ghi nhớ lại nơi đây từng là chiến trường khốc liệt, nổi danh với những "đồi thịt băm", "lò vôi thế kỷ" hay "thung lũng gọi hồn"… Tại mặt trận này cũng đã tạo nên những địa danh huyền thoại như "Thác âm phủ", "Suối gọi hồn", "Cửa tử Vị Xuyên"…
Đây là nơi hơn 4.000 liệt sĩ đã hy sinh khi chiến đấu giành lại từng tấc đất biên cương với quân đội Trung Quốc (năm 1984-1989). Trong đó, có hơn 2.000 liệt sĩ, hài cốt vẫn nằm lại trên chiến trường xưa. Chỉ riêng ngày 12/7/1984, hơn 1.000 chiến sĩ thuộc các Sư đoàn 312, 316, 356… đã hy sinh, trong đó, hơn 600 chiến sĩ thuộc Sư đoàn 356. Vì vậy, ngày 12/7 hàng năm được các cựu binh Sư đoàn 356 xem là ngày Giỗ trận. Các cựu binh thuộc các đơn vị khác cũng chọn ngày này để hội quân.
Vào dịp giỗ trận của sư đoàn 356, hàng trăm cựu binh lại vượt đường xa, mưa gió về thắp nén nhang, tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh bảo vệ biên cương tổ quốc. Trung tuần giữa tháng 7 năm nay, đường từ thành phố Hà Giang lên khu vực biên giới Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang) xuất hiện nhiều đoàn xe chở các cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa. Nhìn 1.780 ngôi mộ, CCB Lê Minh Thông (tỉnh Phú Thọ) biết rằng, còn hàng nghìn người lính nữa vẫn nằm đâu đó trên mảnh đất biên cương, trong những ngọn đồi, hẻm núi, hang sâu của vùng biên cương này. Anh Thông có một tâm nguyện với những khắc khoải trong tâm: "Làm sao khi còn sống các anh đứng trong đội ngũ. Lúc ngã xuống các anh nằm cạnh nhau, được về với quê hương".
Hãy về đây đồng đội ơi...
Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, những cao điểm 772, 685, 1509 (thuộc địa phận xã Thanh Thủy, Vị Xuyên) nay đã xanh mướt màu cây cối. Nhưng trong ký ức những người lính già thì nơi đây vẫn khét lẹt mùi khói pháo, thuốc súng của những trận đánh năm xưa. Mặt trận Vị Xuyên những năm 1979 – 1989 diễn ra hàng nghìn trận đánh khốc liệt, đã có biết bao chiến sỹ ngã xuống, viết nên khúc tráng ca bi hùng nơi biên giới Vị Xuyên.
Đến tận hôm nay, hài cốt của rất nhiều liệt sỹ vẫn chưa được tìm thấy, để lại nỗi khắc khoải, day dứt khôn nguôi cho đồng đội, thân nhân và nhân dân các dân tộc nơi địa đầu Tổ quốc... Ngày gặp lại giữa những người đồng đội đã từng kề vai sát cánh, giữa người đang sống và những người ngã xuống thật nghẹn ngào, xúc động. Những cái bắt tay thật chặt thấm đẫm tình đồng đội, những nụ cười ngày gặp lại và cả những giọt nước mắt xót xa cho đồng đội đã hy sinh; họ lại kể cho nhau nghe về những tháng năm oanh liệt, cùng nhau thắp cho đồng đội nén hương thơm.
Dõi đôi mắt về phía đồi cao, CCB Nguyễn Văn Kim, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 bùi ngùi cho biết: "Đến nay, hàng trăm hài cốt liệt sĩ thuộc Sư đoàn 356 vẫn còn nằm rải rác ở các vị trí chiến đấu năm xưa. Nhiều anh em tuổi đời còn rất trẻ, mới chỉ 18, đôi mươi, họ đã anh dũng ngã xuống, tuổi xuân gửi lại nơi biên giới Vị Xuyên đến tận bây giờ; mong ước là sớm tìm được hài cốt của anh em, đưa các đồng chí về yên nghỉ nơi quê nhà. Mong ước của ông Kim cũng là nỗi niềm chung của những người lính già từng một thời không tiếc tuổi xuân, xương máu để giành lại từng tấc đất quê hương, mong muốn Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cấp, các ngành đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp để rà phá bom mìn ở nơi biên giới Vị Xuyên, quy tập hài cốt để sớm đưa những đồng đội đã ngã xuống về yên nghỉ nơi quê nhà".
Trên gương mặt hằn in mùi khói thuốc chiến trường của những người lính già, những giọt nước mắt đã khô để nhường chỗ cho nụ cười ấm áp. Tại điểm cao 468, nơi những người chiến sỹ năm xưa vùi mình trong bom đạn; hôm nay, đã có một Nhà tưởng niệm được xây dựng lên bằng chính sự đóng góp của những đồng đội đã một thời vào sinh ra tử và của lớp lớp thế hệ trẻ đang sống hôm nay với tấm lòng thành kính tri ân những đóng góp, hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ.
Thắp nén hương thơm cho những đồng đội còn nằm lại chiến trường, CCB Nguyễn Duy Thịnh, Sư đoàn 3 Sao Vàng chia sẻ: "Trở lại chiến trường xưa sau hơn 30 năm, tôi thực sự vui mừng trước sự đổi thay của mảnh đất Vị Xuyên đặc quánh mùi khói pháo năm nào. Và càng vui mừng hơn khi tại đây, tỉnh đã cho xây dựng Nhà tưởng niệm để ghi nhớ công lao đóng góp của những đồng đội của chúng tôi, để chúng tôi có chỗ dừng chân, thắp nén hương thơm cho anh em mỗi dịp quay trở lại chiến trường...".
Hơn 30 năm đã trôi qua, những người lính năm xưa mái tóc đã ngả hoa râm, đôi mắt chẳng còn tinh anh, đôi tay cũng không còn nhanh nhạy như thời trai trẻ, nhưng ký ức về những năm tháng lịch sử hào hùng vẫn luôn sống mãi trong lòng họ. Và trong trái tim những người đồng chí, đồng đội, đồng bào vẫn chứa chan một niềm tin mãnh liệt: "Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử", máu của các anh đã tô thắm thêm lá cờ cách mạng, da thịt của các anh đã hòa vào đất, đá biên cương để mảnh đất nơi đây mãi xanh và trường tồn.
Trở về nơi mình và đồng đội từng hy sinh xương máu tuổi thanh xuân, những người lính già mái tóc hoa râm, gương mặt sạm đen vì sương nắng dường như trẻ lại. Trên các chuyến xe, dọc đường lên biên giới, họ cùng nhau hát lại những bản hùng ca đã hát suốt một thời tuổi trẻ. Gặp lại đồng đội sau 3 thập kỷ, những người lính già vẫn gọi bạn, xưng tôi, họ đùa nghịch, tâm sự, tranh luận nảy lửa về một ký ức rồi lại ôm lấy nhau, cười xòa như những chàng trai mười tám, đôi mươi năm nào.Trên điểm cao 468, ngay tại ngôi nhà tưởng niệm mới được xây dựng, giọng hát trầm đục của người lính già vang vọng khắp núi rừng biên giới Vị Xuyên: "Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào. Được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát. Quân, dân nồng ấm nghĩa tình. Hãy về đồng đội ơi...".