Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Không cho phép mình ngưng nghỉ, hay tự hài lòng về chăm sóc người có công

Thanh Nhung
Thanh Nhung

(Dân sinh) - Ghi nhớ những công lao to lớn của những người lính năm xưa, hàng năm, ngành LĐ-TB&XH luôn nỗ lực cao nhất tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống người có công. Đúng như những trăn trở, và lòng tự dặn lòng của người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung bấy lâu: “Chúng ta không bao giờ được tự cho phép mình ngưng nghỉ, hay tự hài lòng về kết quả chăm sóc người có công”.

Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), ngày 23/7 vừa qua, Hội nghị Tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt Ngân hàng Gen (ADN) Liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân Liệt sĩ do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức đã diễn ra long trọng tại Hà Nội.

Trên 400 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu đến từ khắp mọi miền đất nước đã không quản vất vả, khó khăn vì thương tật nặng để có thể về tham dự chương trình tri ân thấm đẫm ân tình này.

chu-tich-nuoc-to-lam.jpg
Ngày 24/7/2024, Chủ tịch nước Tô Lâm và các đại biểu tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cược (sinh năm 1930) tại tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Minh Hoàng).

 

Nỗi đau chiến tranh dường như vẫn còn đó...

Đây là sự kiện quan trọng của đất nước, nằm trong tổng thể các hoạt động đang diễn ra bằng các hoạt động cụ thể cũng như thầm lặng trên khắp cả nước hướng về ngày 27/7.

Đồng thời cũng là cuộc gặp mặt đặc biệt nhất từ trước đến nay, bởi lẽ đây còn là ngày ra mắt Ngân hàng Gen (ADN) Liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân Liệt sĩ.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sự kiện này biểu thị trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, quân và dân cả nước đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Là người dành tâm huyết trong suốt 2 nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho công tác chăm lo người có công, ông Dung từng bày tỏ sẻ chia sâu sắc: “Nỗi đau chiến tranh dường như vẫn còn đó, các thương binh hàng ngày vẫn phải đối diện với những cơn đau mỗi khi trái gió trở trời. Họ sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp: Tất cả vì Tổ quốc thống nhất”.

Ngay trong bài phát biểu tại hội nghị Tri ân người có công với cách mạng năm 2024, một lần nữa Bộ trưởng nhấn mạnh: Đối với việc xem xét, công nhận người có công với cách mạng, qua 6 năm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng, chúng ta đã giải quyết được căn bản trên 7.000 hồ sơ.

Trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ.

“Đây là việc làm vô cùng khó khăn do thời gian đã quá lâu, hồ sơ thất lạc, người giao nhiệm vụ không còn sống, đồng đội, người làm chứng đều đã mất… điển hình như trường hợp cụ Phạm Khánh, chiến sĩ cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh hy sinh năm 1931, sau 92 năm mới tìm được dữ liệu, được công nhận liệt sĩ”, ông Dung chia sẻ.

Có thể nói, những kết quả đó mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với gia đình liệt sĩ và người có công, phần nào xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm của chúng ta đối với những người đã hy sinh cho Tổ quốc độc lập. 

Đồng thời ghi nhận những nỗ lực của ngành LĐ-TB&XH trong thời gian vừa qua đối với công tác này.

dao-ngoc-dung.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi sức khỏe các Mẹ Việt Nam anh hùng tại Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 . (Ảnh: Tống Giáp)

Nước mắt còn lăn trên má những người Mẹ 

Về với Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 tại Thủ đô Hà Nội, hơn 400 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu là bằng đó tấm gương sáng ngời. 

Đặc biệt, trong số các đại biểu tham dự buổi gặp mặt có 33 đại biểu là người dân tộc thiểu số như: Bana, Chăm, Ê đê, Hrê, Jrai, Mường, Nùng, Paco, Ragiai, Tày, Thái,…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ cảm động và vui mừng được đón tiếp bác Lê Quang A, năm nay tròn 100 tuổi đời, 80 năm tuổi Đảng, đến từ tỉnh Hà Tĩnh, là cán bộ tiền khởi nghĩa, góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám. 

Chúng ta biết ơn mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thạnh, sinh năm 1932 đến từ Bình Định. Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Mẹ đã mất những người thân yêu, ruột thịt của mình, đó là chồng, con và chị gái là liệt sĩ. 

“Chúng ta xúc động được gặp nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển năm xưa, chiến đấu bên cây cầu Hàm Rồng lịch sử, đã dệt lên huyền thoại về nữ dân quân chỉ nặng 42 kg vác 2 hòm đạn nặng 98kg, tiếp đạn cho bộ đội... Năm 1967, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi mới 21 tuổi”, Bộ trưởng bày tỏ tri ân. 

Lãnh đạo Bộ cũng trân trọng chào đón Đại biểu Rơ Châm Thoi, sinh năm 1950, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, là người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày kiên trung, bất khuất; trong thời bình, ông được nhân dân trong thôn làng công nhận là Già làng người có uy tín.

Và còn rất, rất nhiều những tấm gương đại biểu tiêu biểu khác được Bộ trưởng trân trọng gọi tên...

Giữa những khoảnh khắc xúc động ấy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất, nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương, gần 200 ngàn liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300 ngàn liệt sĩ chưa xác định được thông tin. 

“Những giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má của những người Mẹ; những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em, của vợ, chồng, của cha, mẹ mình… ở đâu là những câu hỏi day dứt”.

Hội trường lặng đi trước sự sẻ chia sâu sắc mà Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH truyền tải. Dưới hội trường, nhiều đại biểu lặng lẽ lau nước mắt... 

Ngân hàng Gen là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

Bộ trưởng thông tin, thời gian qua, chúng ta đã triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), thực hiện với phương pháp giám định ADN và thực chứng. 

Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.

Thực hiện kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, trên nền tảng hiện nay các đơn vị đã lưu trữ được số liệu của trên 25 ngàn dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân. 

Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Công an đề xuất Chính phủ xây dựng Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ. 

“Việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ chưa xác định thông tin để giám định, lưu trữ trong Ngân hàng Gen sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin”, ông Dung nói. 

Đây là việc làm rất có ý nghĩa, rất linh thiêng, phải chạy đua với thời gian, càng làm càng nhanh càng tốt vì thời gian không cho phép chúng ta kéo dài, song đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, gian nan phải làm bằng mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ. 

Bộ trưởng chia sẻ: Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp một phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sĩ. 

Chăm lo người có công tốt hơn nữa: Vừa là đạo lý, vừa là bổn phận 

Tổ chức buổi Gặp mặt này, cũng là dịp để nhắc nhở chúng ta rằng, phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ quan trọng này. Những năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo thực hiện tốt công tác người có công với cách mạng.

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng càng được đặc biệt quan tâm, xã hội hóa sâu rộng.

Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công từng bước được hoàn thiện; đối tượng người có công được mở rộng; chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng và đồng thuận xã hội.

Ghi dấu những công lao to lớn mà thầm lặng ấy của những người lính năm xưa, những người có công với đất nước, hàng năm ngành LĐ-TB&XH khi những ngày 27/7 về, luôn nỗ lực một cách cao nhất, dốc toàn tâm toàn sức để chăm lo, tổ chức những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, tạo được sự đồng thuận lớn trong xã hội.

Đúng như những trăn trở, và lòng tự dặn lòng của người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung bấy lâu: “Chúng ta không bao giờ tự cho phép mình được ngưng nghỉ, hay tự hài lòng về kết quả chăm sóc người có công”.

“Bởi trên thực tế vẫn còn đó, rất nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt và lâu dài cần được tổ chức thực hiện thật tốt với tất cả lòng tri ân chân thành, với những tình cảm cách mạng sâu sắc đối với những hy sinh to lớn mà hàng triệu người có công đã mang lại cho chúng ta cuộc sống bình yên...”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự tri ân sâu nặng, trong một lần tôi từng phỏng vấn ông trước đây.