Mới đây trên mạng xã hội Facebook, nhiều người chia sẻ hình ảnh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt (95 tuổi) hiện đang sống ở phường 5 (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) may từng chiếc khẩu trang vải để giúp mọi người phòng dịch, trong tình trạng khan hiếm khẩu trang hiện nay.
Từ những thông tin trên mạng xã hội chúng tôi tìm về nhà Mẹ VIệt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt trong một buổi chiều đầy nắng. Trong căn nhà ở phường 5, quận Gò Vấp là hình ảnh người mẹ 95 tuổi với đôi tay gầy guộc đang chọn từng mảnh vải, cắt may tỉ mỉ rồi cặm cụi ngồi bên chiếc máy khâu cũ đạp đều đặn từng vòng chỉ để cho ra những chiếc khẩu trang tinh tươm, phục vụ người dân phòng, chống dịch Covid - 19.
Năm 2015, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ Ngô Thị Quýt. Người phụ nữ ấy đã cống hiến cả tuổi xuân cho Tổ Quốc với bao đau thương, mất mát.
Kể về cuộc đời mình, mẹ Quýt nhớ lại, ngày ấy, khi mẹ 17 tuổi, có một người con trai cùng làng ngỏ lòng thương yêu và rủ mẹ cùng theo cách mạng. Đến khi đất nước giành được độc lập ngày 2/9/1945 thì hai người nên vợ nên chồng. Niềm vui chưa được bao lâu, ông đi đánh trận triền miên rồi hi sinh vào năm 1947, lúc đấy mẹ đang mang thai đứa con đầu lòng. Nỗi đau ấy khiến mẹ nung nấu ý chí trả thù. Nuôi con được 5 tháng, mẹ Quýt gửi con cho cha mẹ chồng rồi xin đi bộ đội chiến đấu. Sau những năm công tác mẹ được điều vào đơn vị biệt động Thành Huế theo nguyện vọng cá nhân.
Trong quá trình công tác, không ít lần mẹ gặp nguy hiểm và bị bắt. Ba lần đầu mẹ bị giặc bắt và tra tấn giã man, mẹ may mắn được thả. Đến lần thứ tư, giặc đột kích bắt mẹ, đánh đập dã man rồi đày ra nhà tù Côn Đảo. Tại nhà tù Côn Đảo, chúng dùng mọi cực hình khốc liệt bắt mẹ phải khai hoạt động cách mang, nhưng người phụ nữ ấy thà chết vinh chứ không sống nhục, không thể phản bội Tổ quốc, nhất quyết không hé nửa lời.
Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, mẹ Quýt được đồng đội đón về rồi sau đó tiếp tục tham gia công tác ở đơn vị bộ đội tỉnh Thanh Hóa. Sống giữa tình thương yêu của đồng bào, nhưng không khi nào người phụ nữ ấy không nhớ về quê hương và đứa con của mình. Để rồi giữa lúc niềm vui đất nước thống nhất năm 1975, mẹ nhận được tin người con trai duy nhất đã hy sinh trong cuộc tổng tấn công Xuân Mậu Thân năm 1968. Mất người thân đến hai lần, nỗi đau này liệu ai thấu?
Hơn 20 năm qua, mẹ Ngô Thị Quýt lặn lội đi xin vải vụn ở các tiệm may, ráp lại thành những tấm chăn để dành tặng cho những người neo đơn, cơ nhỡ. Dù tuổi đã cao, mắt phải không còn thấy rõ nhưng mẹ vẫn hằng ngày đều đặn ngồi may. Với mẹ, niềm vui là khi giúp ích cho mọi người, mẹ sẽ làm đến khi không được nữa thì thôi.
Thời gian gần đây, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, mẹ Ngô Thị Quýt quyết định may khẩu trang hỗ trợ phòng dịch cùng cộng đồng, đóng góp một phần sức lực của mình. Mọi công đoạn từ gom vải thừa từ các tiệm may, đo cắt từng khuôn vải, ráp lại... đều được mẹ tỉ mẩn làm bằng một bên mắt còn lại. Những chiếc khẩu trang mẹ làm ra được truyền đến cho những người cần nó. Thời chiến tranh mẹ góp sức người bảo vệ Tổ quốc. Hòa bình rồi mẹ vẫn sống vì tất cả, làm mọi thứ có thể để chung tay với mọi người phòng dịch.
"Mẹ muốn góp chút gì đó cho công việc phòng chống dịch Covid - 19, chứ mẹ già rồi không giúp được gì hơn", mẹ Quýt chia sẻ.
Một cán bộ địa phương nơi mẹ Quýt sinh sống bày tỏ: "Nước mắt cứ lăn dài trên má chúng tôi khi ngắm nhìn Mẹ lướt đều vòng quay chiếc máy khâu cũ kỹ để cho ra đời từng chiếc khẩu trang vải tinh tươm.
Những chiếc khẩu trang được mẹ lụi cụi, tần tảo đo may bằng đôi tay gầy guộc, nhăn nheo vì tuổi tác già nua thật sự làm ấm lòng những người dân và các cấp chính quyền, đoàn thể đang từng ngày lo toan chống dịch Covid - 19".
Chuẩn bị bước vào năm thứ 45 kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với bao gian khổ và nhiều thử thách, cam go và ác liệt nhất. Không thể không nhớ ơn những thế hệ đổ bao xương máu để có được chiến thắng vĩ đại ấy. Trong đó có các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đã hiến dâng bao người thân ruột thịt cho Tổ quốc- những người đã không tiếc thân mình cống hiến cho đất nước bình yên và hạnh phúc.