Sinh năm 1953, là người anh cả trong gia đình nghèo có 6 anh em đều trưởng thành qua quân ngũ. Năm 1972, ông Nở lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau khóa huấn luyện ngắn, ông Nở được vào thẳng chiến trường Tây Nguyên, là chiến sĩ thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 537. Trong 3 năm liền từ 1972 đến khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông Nở cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh ác liệt từ chiến trường Quảng Trị, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Ông bị thương với tỷ lệ thương tật 29% và bị nhiễm chất độc hóa học.
Sau ngày đất nước thống nhất, đến năm 1977, ông Nở chuyển ngành sang làm việc tại Công ty Thi công cơ giới thuộc Bộ Xây dựng và công tác trong ngành xe máy, sau đó về nghỉ hưu.
Trở về quê hương sau khi xuất ngũ cũng từ đây cuộc mưu sinh đối với người cựu binh nhiễm chất độc da cam trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Ông Nở bắt tay vào làm kinh tế gia đình, đấu thầu ao cá của tập thể bỏ hoang để nuôi cá, nuôi gà, nuôi bò, nuôi vịt. Từ nguồn vốn tích lũy ít ỏi hàng năm, ông đã mạng dạn vay vốn ngân hàng đầu tư vào đốt vôi, sản xuất vật liệu xây dựng, từng bước phát triển kinh doanh...
"Năm 2002 tôi thành lập Công ty TNHH Hoàng Tuấn. Những năm đầu thành lập, Công ty hoạt động còn khó khăn, nhưng với ý chí, bản lĩnh của một người lính đã trải qua những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước càng thôi thúc tôi quyết tâm làm kinh tế. Vượt qua mọi khó khăn thách thức của cơ chế thị trường, doanh nghiệp tôi làm chủ luôn duy trì sản xuất kinh doanh có hiệu quả, hàng năm luôn mở rộng đầu tư, phát triển. Đến năm 2015 tôi đã mạnh dạn đầu tư hơn 60 tỷ đồng mở rộng kinh doanh sản xuất bê tông thương phẩm với hai dây chuyền hiện đại đủ cung ứng bê tông tươi cho các công trình trọng điểm trên địa bàn. Để sử dụng tiết kiệm nguồn nguyên liệu, trong năm 2018-2019 công ty đã đầu tư, áp dụng công nghệ hiện đại của Nhật Bản đưa dây chuyền sản xuất cát nhân tạo để chủ động đáp ứng nguồn nguyên liệu đầu vào đảm bảo thân thiện với môi trường. Năm 2020, để thuận lợi cho sản xuất kinh doanh cũng như tiến độ thi công, Trạm trộn bê tông nhựa nóng gồm dây chuyền sản xuất hiện đại, máy lu nèn, san gạt…được công ty đầu tư với mức gần 40 tỷ đồng. Những năm gần đây, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng Công ty TTNH Hoàng Tuấn vẫn có doanh thu từ 450 đến 500 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước từ 7 đến hơn 10 tỷ đồng." – ông Nở cho biết.
Coi việc mình sống sót là một đặc ân của số phận, ông luôn tự nhủ bản thân phải biết sẻ chia mọi khó khăn cùng những đồng đội đang gặp nhiều vất vả khó khăn.
“Với đạo lý đó, ngay từ những ngày đầu làm kinh tế, dù Công ty còn khó khăn nhưng thấy nhiều đồng đội còn khó khăn hơn mình, không có điều kiện lo cho con hay những đứa trẻ mồ côi không được chăm sóc mình cũng nhận về nuôi, rồi hỗ trợ chăm lo cho các cháu ăn ở, học hành. Trong công ty có gần 300 lao động thường xuyên thì có đến gần 200 lao động là con em các gia đình chính sách, người có công, cựu chiến binh. Các cháu có công việc, thu nhập ổn định. Hàng năm Công ty đều dành khoảng 2 tỷ đồng để tổ chức hoạt động đền ơn đáp nghĩa ở địa phương. Từ năm 2010 đến nay, Công ty ông đã xây dựng hơn 10 ngôi nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, trị giá từ 50 đến 150 triệu đồng một ngôi nhà; phụng dưỡng suốt đời 4 Bà mẹ Việt Nam anh hung, 1 thương bình nặng tỷ lệ thương tật 85%; nhận đỡ đầu 15 trẻ mồ côi tàn tật; hỗ trợ kinh phí cho 5 cháu là con em của đồng đội có hoàn cảnh khó khăn học giỏi đang học đại học, cao đẳng...Trong những năm qua, dù đóng góp chưa có gì đáng kể nhưng bản thân luôn có mặt và tích cực tham gia các phong trào cùng các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức từ thiện, nhân đạo. Đây vừa là tình cảm, là trách nhiệm và lòng biết ơn đối với những người lính, người đồng đội đã hi sinh vì nhân dân, đất nước…" – ông Nở chia sẻ.