Tham dự Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng có ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc Hội; ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã; đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ tư pháp; lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội một số tỉnh khu vực phía Bắc từ Thừa Thiên Huế trở ra.
Nhiều điểm mới trong Dự thảo sửa đổi
Mục đích của Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công lần này là Sửa đổi toàn diện để thay thế Pháp lệnh hiện hành nhằm tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Pháp lệnh, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; Tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm, chủ trương của Đảng, đồng thời tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, thống nhất, đảm bảo công bằng, hợp lý, tạo sự đồng thuận cao của xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân của họ; Huy động sự tham gia đóng góp tích cực hơn nữa của xã hội, của các tổ chức, cá nhân để cùng với nhà nước chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và thân nhân của người có công; Xác định cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên Người có công với cách mạng và gia đình vươn lên phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng tại nơi cư trú, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong đó, bảo đảm công khai, minh bạch trong công nhận và tôn vinh người có công với cách mạng, với đất nước; bảo đảm nguyên tắc cống hiến và công bằng trong thực hiện chế độ ưu đãi người có công; kế thừa và nâng tầm hiệu lực pháp lý các quy định của pháp luật ưu đãi người có công hiện hành vẫn còn phù hợp; bảo đảm tính khả thi trong việc giải quyết hồ sơ xác định đối tượng người có công với cách mạng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng giai đoạn lịch sử cách mạng; kết hợp việc bố trí tăng ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công với cách mạng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác chăm sóc người có công.
Ông Đào Ngọc Lợi
Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã cho biết: "Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi) có nhiều điểm mới, gồm có 6 Chương, 56 Điều. Trong đó điểm mới được đưa vào là đặt lại tên điều và tên chương. Dự thảo lần này cũng được thiết kế theo hướng quy định cụ thể điều kiện quy định từng diện đối tượng theo các chế độ chính sách. Trong đó, phạm vi điều chỉnh được tập trung vào: Quy định về đối tượng, điều chỉnh một số chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng; Công trình ghi công liệt sĩ, quản lý nhà nước, nguồn lực thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi với người có công và thân nhân của họ…" – ông Lợi thông tin.
Đảm bảo việc thể chế hóa Pháp lệnh người có công
Ngoài ra, Dự thảo Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng sửa đổi cũng có thêm một số điều chỉnh về đối tượng áp dụng; đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; việc giải thích từ ngữ; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân; nguyên tắc thực hiện chính sách thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.
Ông Dương Văn Huệ
Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa
Thống nhất cao với bản Dự thảo sửa đổi, ông Dương Văn Huệ, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: "Tại mục i, Khoản 1, Điều 3 nên điều chỉnh "Người hoạt động kháng chiến bị mắc bệnh và để lại di chứng cho cháu của họ có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin"; Tại Khoản 1, Khoản 6, Điều 10 đề nghị sửa "Trợ cấp tiền tuất hàng tháng và bảo hiểm y tế đối với vợ, hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng…".
Ông Đặng Xuân Hải
Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam
Đồng quan điểm với bản Dự thảo, ông Đặng Xuân Hải, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam thông tin thêm: Điều kiện xác nhận thương binh chết để công nhận liệt sĩ hiện nay phải đạt tỷ lệ mất sức lao động 81%, trong khi đó có rất nhiều thương binh nặng, bệnh tái phát nhưng không đảm bảo điều kiện được xét công nhận liệt sĩ. Do đó, đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên xem xét hạ mức từ 61-81%. Đối với người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học, cần xem xét chế độ thế hệ thứ 3 với những nạn nhân chất độc da cam..." – ông Hải nói.
Còn ông Hồ Tân Cảnh, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình kiến nghị: "Bỏ cụm từ "không áp dụng với thương binh loại B" trong bản Dự thảo Khoản 10, Điều 14 vì quy định bị thương trong diễn tập được xác nhận thương binh thì thương binh loại B chết do vết thương tái phát cũng cần được xem xét xác nhận liệt sĩ mới tương ứng phù hợp chính sách; Sửa đội nội dung tại Khoản 13, Điều 16 đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác nhưng vẫn nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành thì được hưởng đầy đủ chính sách như thân nhân chủ yếu của liệt sĩ (bố, mẹ, vợ, chồng, con); Mở rộng đối tượng đi thăm viếng mộ liệt sĩ hoặc khi di chuyển hài cốt liệt sĩ cho anh, chị, em ruột và cháu ruột của liệt sĩ, vì chủ yếu thực tế thân nhân của liệt sĩ do già, ốm đau hoặc không còn nên không thực hiện được các nguyện vọng chính đáng…".
Cũng tại Hội thảo, nhiều vấn đề khác được các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất, kiến nghị tập trung chủ yếu liên quan đến các vấn đề về giải thích từ ngữ, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân, nguyên tắc thực hiện chính sách đối với người có công và thân nhân…
Thông qua hội thảo lần này, những kiến nghị, đề xuất từ phía địa phương sẽ được Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp trình Chính Phủ xem xét. Qua đó, đảm bảo việc thể chế hóa Pháp lệnh người có công ngày càng hoàn thiện, tích cực và đáp ứng được yêu cầu của xã hội.