Quan tâm, hỗ trợ gia đình người có công với cách mạng
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, huyện Thuận Nam luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống cho người có công (NCC), hỗ trợ các gia đình chính sách bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Cụ Nguyễn Thị Nay, ở thôn Lạc Nghiệp 1, xã Cà Ná (huyện Thuận Nam) từng tham gia kháng chiến bị địch bắt tù, đày. Chị Nguyễn Thị Thu Điệm, con dâu cụ Nay cho biết, do hoàn cảnh khó khăn nên trước đây cụ ở trong căn nhà xuống cấp. Tháng 4 vừa qua, được huyện hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” căn nhà của cụ được sửa sang thoáng mát hơn. Nhà hoàn thành, các hội, đoàn thể ở địa phương hỗ trợ đồ dùng, vật dụng trong gia đình, con cháu của cụ ai cũng cảm kích.
Có chồng và 3 con trai hy sinh trong khi hoạt động cách mạng, mẹ Lê Thị Hự, ở xã Cà Ná, huyện Thuận Nam hiện là người duy nhất trong số 03 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn huyện còn sống. Ở tuổi 94, mẹ xúc động khi nhớ đến sự quan tâm, chăm lo của các cấp chính quyền dành cho gia đình. Mẹ chia sẻ: “Nhiều năm trước, gia đình mẹ khó khăn về nhà ở được chính quyền quan tâm xây dựng. Nay cuộc sống đã đỡ hơn”. Ngoài giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách dành cho gia đình người có công với cách mạng, trong các dịp lễ, Tết, Mẹ đều nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, đón nhận những phần quà tình nghĩa của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, mẹ được 3 đơn vị nhận phụng dưỡng hằng tháng, hằng quý. Mỗi dịp có đoàn công tác của trung ương về địa phương, huyện đều bố trí dẫn đoàn đến thăm Mẹ, những việc làm ấy khiến Mẹ cảm thấy ấm lòng.
Bà Đinh Thị Thùy Dung, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thuận Nam cho biết: Thực hiện chế độ chính sách cho NCC, 6 tháng đầu năm, Phòng đã chi trả cho 359 lượt đối tượng với tổng số tiền hơn 3,7 tỷ đồng; chi hỗ trợ mai táng phí theo quy định cho 11 đối tượng với tổng số tiền gần 164 triệu đồng; hỗ trợ mai táng phí cho 14 đối tượng NCC với tổng số tiền gần 250 triệu đồng; chi dụng cụ chỉnh hình cho 3 thương binh với số tiền 16 triệu đồng; mua 515 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng NCC với cách mạng với tổng số tiền gần 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, NCC và thân nhân của NCC được quan tâm, chăm lo về sức khỏe, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, xây dựng nhà ở, học tập, giải quyết việc làm... Các chế độ chính sách ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với con thương binh, con bệnh binh, con liệt sĩ, NCC được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Nhiều con em của thương binh, bệnh binh được tạo điều kiện trong học tập, học nghề và tạo việc làm. Từ làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình NCC với cách mạng, đến nay 8/8 xã trong toàn huyện Thuận Nam được công nhận danh hiệu “Xã làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ và người có công”.
Toàn huyện Ninh Hải hiện có 271 đối tượng chính sách, NCC và thân nhân NCC đang được hưởng trợ cấp hằng tháng. Trong đó 76 đối tượng là thương binh, 41 đối tượng là bệnh binh, thân nhân liệt sĩ 22 người. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện luôn thực hiện tốt nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức thăm hỏi, tặng quà NCC, vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ sửa chữa và làm mới nhà ở, tư vấn giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Đặc biệt vào các dịp tết Nguyên đán, ngày thương binh - liệt sĩ, các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương tổ chức rà soát, lập danh sách đối tượng NCC được nhận quà của Chủ tịch nước và đảm bảo chuyển quà đúng, đủ, kịp thời đến các đối tượng. Năm 2021, huyện đã hỗ trợ cải thiện nhà ở cho NCC với cách mạng, Mẹ VNAH, sửa chữa Đài tưởng niệm Liệt sĩ cấp xã. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ VNAH trên địa bàn huyện cũng được quan tâm, góp phần tô đẹp thêm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.
Toàn tỉnh huy động hơn 2,7 tỷ đồng hỗ trợ gia đình người có công
Thời gian qua, huyện Thuận Bắc luôn quan tâm, chăm lo đời sống cho gia đình chính sách và NCC với các mạng. Đến nay, các gia đình chính sách khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện đều được hỗ trợ xây mới, sửa chữa, giúp cho họ ổn định về nơi ở, yên tâm làm ăn. Bệnh binh Katơr Thơ, xã Phước Kháng, huyện Thuận Bắc chia sẻ: Được Nhà nước xây dựng căn nhà mới, gia đình tôi rất vui mừng. Từ nay không lo nhà dột mỗi khi trời mưa, có căn nhà mới, gia đình tôi yên tâm an cư để làm ăn. Song song đó, huyện còn thực hiện tốt công tác chi trả tiền chế độ cho NCC được các xã thực hiện kịp thời, giúp các gia đình thương binh, liệt sĩ tiếp cận những dịch vụ tốt.
Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, những năm qua, huyện Bác Ái đã huy động mọi nguồn lực, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, thực hiện tốt các chế độ đối với gia đình chính sách, NCC với cách mạng, nhất là hỗ trợ nhà ở đã giúp người dân có điều kiện an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống. Gia đình chị Pi Năng Thị Nhắc, ở thôn Hành Rạc 1, xã Phước Bình thuộc diện gia đình chính sách, nhiều năm qua, sống trong căn nhà cũ nhưng không có điều kiện sửa chữa. Trước khó khăn của gia đình, tháng 3-2021 từ nguồn Quỹ cứu trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ cho những hộ nghèo, cận nghèo nhà ở bị hư hỏng, xuống cấp do ảnh hưởng của lốc xoáy, mưa lũ gây ra trong năm 2020, gia đình chị được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng lại nhà. Có tiền, gia đình chị đã xây dựng được ngôi nhà mới kiên cố, vững chắc để ổn định cuộc sống. Chị Nhắc phấn khởi, cho biết: “Cuộc sống gia đình tôi trước đây rất khó khăn, căn nhà thường bị dột mỗi khi mưa lớn. Bây giờ được Nhà nước quan tâm cho tiền xây dựng lại nhà mới nên gia đình rất vui mừng”.
Giai đoạn 2015-2021, từ nguồn ngân sách của địa phương và các nguồn quỹ của trung ương và tỉnh, huyện Bác Ái đã xây mới, sửa chữa trên 1.500 căn nhà ở cho gia đình chính sách và NCC với số tiền trên 21 tỷ đồng, qua đó giúp các gia đình từng bước ổn định cuộc sống.
Ông Hà Anh Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Ninh Thuận cho biết, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng; công tác vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành phong trào sâu rộng, đã đi vào nề nếp, góp phần tích cực vào việc chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần ổn định cuộc sống vật chất và tinh thần cho đối tượng người có công với cách mạng và các gia đình chính sách. Năm 2021, tổng thu Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở 3 cấp là hơn 2,7 tỷ đồng, đạt 103,80% kế hoạch, trong đó, cấp tỉnh huy động được gần 454,6 triệu đồng; cấp huyện, thành phố gần 1,7 tỷ đồng; cấp xã, phường 595 triệu đồng. “Công tác quản lý, thu chi Quỹ chặt chẽ, công khai đúng quy định tại Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28/4/2006 của Chính Phủ về ban hành điều lệ quản lý và xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Năm 2021, thực hiện Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng”, ông Hà Anh Quang nhấn mạnh.
Năm 2021, nguồn vận động Quỹ trong năm chủ yếu tập trung hỗ trợ kinh phí tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thăm hỏi, động viên gia đình các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong các dịp lễ; nhận phụng dưỡng, tặng nhà tình nghĩa; hỗ trợ sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ, hỗ trợ sửa chữa nhà ở người có công với cách mạng.... Quỹ Thiện Tâm (Tập đòan Vingroup) đã hỗ trợ 135 triệu đồng, tặng 8 thương, bệnh binh nặng số tiền 120 triệu đồng và 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với số tiền 15 triệu đồng. Qua đó góp phần giải quyết khó khăn và ổn định cuộc sống người có công với cách mạng. Các khoản chi tại huyện, thành phố và xã, phường tập trung vào các nội dung như: Hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho Người có công với cách mạng; tổ chức gặp mặt, thăm tặng quà người có công với cách mạng, tặng sổ tiết kiệm; sửa chữa Đài tưởng niệm liệt sĩ; công tác quy tập mộ liệt sĩ;...
Cũng theo thông tin từ ông Quang, nhằm thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022), Ban quản lý Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" tỉnh xây dựng kế hoạch và chỉ tiêu vận động Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" năm 2022 đối với Ban quản lý Quỹ là 2.565.982.000 đồng, trong đó, Quỹ cấp tỉnh 600.000.000 đồng; Quỹ cấp huyện, thành phố: 1.129.300.000 đồng; Quỹ cấp xã, phường: 836.682.000 đồng.
Công tác xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” là trách nhiệm và tình cảm của các cá nhân, tổ chức, ban ngành, đoàn thể và đơn vị doanh nghiệp được đóng góp theo tinh thần tự nguyện cùng Nhà nước chăm sóc, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với Người có công với cách mạng. Đây cũng là dịp để tiếp tục thực hiện đạo lý truyền thống của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”.