* Xin ông cho biết tình hình đời sống và công tác chăm sóc ĐTCS - NCC của Quảng Nam những năm qua?
Ông Lê Văn Thanh: -Tỉnh Quảng Nam có số lượng ĐTCS - NCC đông (trên 23% dân số) với trên 65.400 liệt sĩ, trên 135.000 thân nhân; trên 30.500 thương bệnh binh; trên 45.300 NCC; trên 11.500 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; trên 33.700 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương; trên 5.850 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học và hàng chục ngàn đối tượng NCC khác. Đặc biệt, cả tỉnh có 14.792 Bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (trong đó, 2.576 Mẹ được phong tặng, hiện còn sống 911 Mẹ).
20 năm qua, toàn tỉnh đã xác nhận mới cho trên 78.000 trường hợp, trong đó: 10.910 liệt sĩ; 3.620 thương binh; 4.040 bệnh binh; 38.720 NCC giúp đỡ cách mạng; 5.850 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 11.700 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 38.280 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương; phong và truy tặng 10.094 Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Đến nay đã cơ bản xử lý xong hồ sơ đề nghị xác nhận NCC còn tồn đọng.
Ông Lê Văn Thanh tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Quảng Nam.
Việc giải quyết các chế độ ưu đãi đối với NCC và thân nhân kịp thời, nhất là các chính sách mới được ban hành. Thực hiện chế độ chính sách cho trên 518.000 lượt đối tượng chính sách thường xuyên và một lần... Hiện toàn tỉnh có gần 60.000 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng; hàng chục ngàn người hưởng trợ cấp một lần. Kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi NCC khoảng 1.300 tỷ đồng/năm.
Công tác chăm sóc NCC gắn với cuộc vận động “Uống nước nhớ nguồn”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã từng bước được xã hội hóa với nhiều phong trào sâu rộng có ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, NCC với cách mạng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần NCC cách mạng. Đến nay, 97,28% hộ chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư, đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện.
Tỉnh đã vận động được 101,094 tỷ đồng từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa" để thực hiện tu bổ, sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách; hỗ trợ thân nhân chủ yếu của liệt sĩ đi thăm viếng mộ liệt sĩ; thăm hỏi khi ốm đau, hỗ trợ khám chữa bệnh..., bằng nhiều chương trình như: Xóa nhà ở tạm, Đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở NCC, chương trình nhà Nghĩa tình đồng đội, nhà tình nghĩa... Toàn tỉnh đã vận động hỗ trợ 55.396 nhà cho NCC, gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh. Ngoài ra, hỗ trợ trên 8,575 tỷ đồng cho 343 trường hợp là cán bộ lão thành cách mạng theo Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hàng ngàn trường hợp được hỗ trợ miễn giảm tiền sử dụng đất khi mua nhà ở, đất ở theo Quyết định số 1150/QĐ-UB ngày 3/7/1998 của UBND tỉnh. Hiện còn gần 10.000 trường hợp mới được khảo sát bổ sung, sẽ hỗ trợ xây mới và sữa chữa hoàn thành trong năm 2018..
Công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ được xác định là nhiệm vụ chính trị đặc biệt trong công tác thương binh liệt sĩ. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 131 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó 1 nghĩa trang liệt sĩ cấp tỉnh, 12 nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện, thị xã, thành phố và 118 nghĩa trang liệt sĩ cấp xã; đã quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ trên 60.000 mộ liệt sĩ, trong đó có nhiều cán bộ, chiến sĩ là con em của hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước đã công tác, chiến đấu và hy sinh tại chiến trường Quảng Nam và trên 22.000 mộ liệt sĩ được an táng tại nghĩa trang gia tộc.
Tình hình phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; chăm sóc bố mẹ liệt sĩ, đỡ đầu con liệt sĩ, con thương bệnh binh được thực hiện tốt. Toàn tỉnh có 14.792 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 100% các Mẹ đã được các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng; nhiều cơ quan, đơn vị ở xa nhưng thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi, kịp thời động viên an ủi khi Mẹ ốm đau. Bên cạnh đó, công tác quản lý đối tượng, quản lý tài chính ưu đãi NCC từng bước được hoàn thiện, thông qua các chương trình phần mềm quản lý, công tác quản lý đối tượng ngày càng chặt chẽ, việc thực hiện chế độ đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, hạn chế sai sót, thất thoát ngân sách.
* Thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, xin ông cho biết Quảng Nam đã có những kế hoạch, hoạt động và tổ chức cụ thể nào?
- Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân các anh hùng liệt sĩ và thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 6518/KH-UBND ngày 28/12/2016; Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 11/4/2017 và Kế hoạch 3487/KH-UBND ngày 7/7/2017 tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, khẩn trương lập hồ sơ đề nghị phong, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng theo Pháp lệnh số 05/2012/PL-UBTVQH13 ngày 20/10/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, phát động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng hết số Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống (911 mẹ) với mức phụng dưỡng bình quân 800.000 đồng/Mẹ/tháng và đang vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nâng mức phụng dưỡng lên từ 1 - 1,5 triệu/Mẹ/tháng và tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà, động viên, an ủi các Mẹ trong dịp 27/7.
Thứ hai, tập trung giải quyết cơ bản hồ sơ xác nhận NCC tồn đọng, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 28/TTLT-BQP-BLĐTBXH ngày 22/10/2013 của Liên Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB&XH.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Điện Bàn.
Thứ ba, năm 2017, UBND tỉnh đã quyết định tạm ứng ngân sách 265 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 10.080 nhà ở NCC cách mạng, đảm bảo cơ bản hoàn thành chương trình hỗ trợ 22.633 nhà ở cho NCC cách mạng trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3363/QĐ-UBND ngày 20/10/2013 của UBND tỉnh trong dịp kỷ niệm 27/7 với tổng kinh phí 461 tỷ đồng.
Thứ tư, chỉ đạo các địa phương quan tâm chăm lo tu sửa, nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ và các công trình tưởng niệm. Năm 2017, UBND tỉnh đã quyết định phân bổ 70 tỷ đồng để các địa phương sửa chữa, nâng cấp 28 hạng mục công trình mộ, nghĩa trang liệt sĩ khang trang, bền đẹp và chỉ đạo ngành GD&ĐT huy động học sinh dọn vệ sinh sạch đẹp nghĩa trang, để thân nhân liệt sĩ đến viếng hương được an tâm, ấm lòng.
Thứ năm, chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và các địa phương tập trung thực hiện tốt việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ vào các nghĩa trang liệt sĩ theo Đề án 1237.
Thứ sáu, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, UBND tỉnh quyết định chi trên 50 tỷ đồng thăm hỏi đối tượng chính sách (500.000 đồng/người) và phân công từng đồng chí lãnh đạo tỉnh đến từng huyện, thị xã, thành phố viếng nghĩa trang liệt sĩ; thăm, tặng quà gia đình chính sách; khởi công các công trình nâng cấp nghĩa trang..., thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với những cống hiến, hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ và gia đình có công với nước.
Thứ bảy, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tri ân, “đền ơn đáp nghĩa”, về nguồn, các chương trình nghệ thuật, tuyên truyền, cổ động trực quan kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ: Tổ chức đoàn lãnh đạo tỉnh viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng; thăm, tặng nhà tình nghĩa, tặng quà gia đình chính sách tỉnh Thanh Hóa đã từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam; thăm hỏi, tặng quà NCC Quảng Nam đang điều dưỡng tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe NCC tỉnh Thanh Hóa. Tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà các trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc NCC và thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, đối tượng chính sách đang nuôi dưỡng, điều dưỡng tại các trung tâm ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện chính sách NCC; biểu dương khen thưởng NCC tiêu biểu và các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác "Đền ơn đáp nghĩa"...
Xin cám ơn ông!