Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021). Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam nhấn mạnh: Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hơn 3 triệu người Việt Nam vẫn mang di họa của cuộc chiến tranh. CĐDC đã làm cho hàng triệu trẻ em sinh ra trong hòa bình bị dị dạng, dị tật. Nhiều người sống đời sống thực vật. CĐDC di truyền sang cả thế hệ thứ 3, thứ 4. Nhiều phụ nữ không được hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Có hàng vạn người đang phải sống quằn quại trong đau đớn vì bệnh tật.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đề nghị các cơ quan báo chí, các tổ chức, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp động viên, khuyến khích, tạo mọi điều kiện để các nhà báo, cộng tác viên, hội viên và nhân dân cả nước tích cực tham gia cuộc thi, để có nhiều tác phẩm xuất sắc, hấp dẫn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tính giáo dục cao, góp phần vào thành công của cuộc thi.
Theo Ban tổ chức, các tác phẩm tham gia Giải báo chí phải phản ánh khách quan, chân thực, chính xác người thực, việc thực, không hư cấu. Có tính phát hiện, tổng kết, nêu gương, định hướng tư tưởng, có tính thuyết phục và đạt hiệu quả xã hội cao; có phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo. Đồng thời, có tác động tích cực, phục vụ thiết thực công tác chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ nạn nhân CĐDC.
Các tác phẩm dự thi gửi nguyên bản gốc hoặc photocopy trên giấy khổ A4, dung lượng không quá 1.500 từ; ghi rõ tên bài và thời gian đăng tải (không nhận tác phẩm đánh máy lại); độ dài tác phẩm không quá 5 kỳ. Tác phẩm dự giải tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/3/2021 theo dấu bưu điện và gửi về: Tạp chí Da cam Việt Nam, số 35, đường Hồ Mễ Trì, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.
Kết quả cuộc thi sẽ được công bố và trao thưởng vào dịp Kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2021). Trong đó, có giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc và bằng khen cho tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong chỉ đạo, triển khai tổ chức hoạt động sáng tác các tác phẩm báo chí xuất sắc về đề tài này.