Nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, phóng viên Báo LĐ&XH có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình Nguyễn Trường Sơn về công tác thực hiện chính sách và chăm sóc người có công trên địa bàn tỉnh.
PV: Xin ông cho biết công tác thực hiện chính sách và chăm sóc người có công trên địa bàn tỉnh trong những năm qua?
Giám đốc Nguyễn Trường Sơn: Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình luôn nỗ lực, cố gắng chăm sóc người có công với cách mạng, với ý thức chăm sóc người có công không chỉ là bổn phận, đạo lý, trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người.
Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, qua 2 cuộc kháng chiến, đặc biệt là kháng chiến chống Mỹ, Quảng Bình không chỉ là hậu phương lớn, chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, mà còn là tiền tuyến trực tiếp chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội tại Quảng Bình, công tác chính sách liên quan người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đời sống vật chất và tinh thần của người có công ngày càng nâng cao. Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đối với người có công ngày càng hoàn thiện, đối tượng ưu đãi được mở rộng, đảm bảo công bằng, tạo sự đồng thuận trong xã hội; phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" cũng được toàn dân tham gia và phát triển sâu rộng, trở thành trách nhiệm của xã hội, nét đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam.
Cùng với việc chăm sóc, tri ân những người còn sống, công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính những hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm cũng được tỉnh Quảng Bình chú trọng. Để đạt được những kết quả trên là do có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Bộ LĐ-TB&XH, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình, sự nỗ lực của ngành LĐ-TB&XH từ tỉnh tới huyện, xã. Có thể khẳng định, thời gian qua, Đảng và Nhà nước, tỉnh Quảng Bình luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình có công với cách mạng. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của dân tộc, là hoạt động thường xuyên, phát huy được sức mạnh của cộng đồng chăm lo gia đình có công với nước.
Ông cho biết thêm về các phòng trào "Đền ơn đáp nghĩa" trên địa bàn tỉnh?
Trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Bình đã luôn nỗ lực, cố gắng chăm sóc NCC với ý thức không chỉ là bổn phận, đạo lý, là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự với các cấp, ngành, tổ chức xã hội và người dân. Nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân trong tỉnh đã tích cực tham gia phong trào phụng dưỡng Mẹ VNAH, tặng nhà tình nghĩa, xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Công tác chăm sóc NCC đã được triển khai thực hiện thường xuyên, sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều việc làm cụ thể, hình thức phong phú, sáng tạo. Phong trào đền ơn đáp nghĩa tiếp tục được toàn xã hội quan tâm, phân bổ kinh phí tu bổ, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ, rà soát, kiểm tra, phân loại người có công thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ giáo dân và tổ chức thực hiện chế độ chính sách ưu đãi người có công kịp thời đảm bảo theo quy định pháp luật. Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách thường xuyên, hàng năm, ngành LĐ-TB&XH đã tổ chức điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà cho hàng nghìn NCC, cấp thẻ BHYT cho 100% NCC và thân nhân của họ. Đời sống của các đối tượng chính sách cơ bản ổn định, trên 99% số gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân nơi cư trú.
Hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách tôn vinh, ưu đãi, chăm sóc NCC ngày càng được hoàn thiện. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; xây dựng tu bổ nghĩa trang liệt sỹ được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công ngày được cải thiện. Đến nay, hầu hết NCC và thân nhân, con em NCC đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở, 100% Mẹ VNAH còn sống đã nhận được phụng dưỡng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc NCC đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hộị.
Phát huy truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", toàn tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, tích cực vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa bằng sự đóng góp tự nguyện với trách nhiệm, tình cảm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và ngoài nước để cùng Nhà nước chăm sóc người có công với cách mạng theo tinh thần Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28/4/2006 của Chính phủ. Từ kết quả vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đã góp phần hỗ trợ tu bổ nghĩa trang, đài tưởng niệm, xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ, xây dựng và sửa chữa nhà ở, thăm hỏi người có công với cách mạng hoặc thân nhân khi ốm đau, khám, chữa bệnh và khi qua đời mà gia đình gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Xin ông cho biết công việc thực hiện chính sách NCC từ nay đến cuối năm?
Từ nay đến cuối năm 2021, tỉnh Quảng Bình tiếp tục giải quyết đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công theo quy định hiện hành của Nhà nước. Tiếp tục thực hiện điều dưỡng cho người có công với cách mạng và thân nhân theo kế hoạch năm 2021. Tổ chức tập huấn, kiểm tra hướng dẫn việc thực hiện chính sách người có công ở các địa phương. Phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan tổ chức tiếp nhận, an táng và lấy mẫu hài cốt gửi giám định ADN; kiểm tra xây dựng, tu sửa, nâng cấp mộ tại các nghĩa trang liệt sĩ; kiểm tra xây dựng Đền thờ các anh hùng liệt sĩ tỉnh, tổng hợp danh sách liệt sĩ phục vụ khắc bia ghi tên tại đền thờ; tổ chức vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa năm 2021; tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hoạt động kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ 2021, tổ chức các đoàn đến thăm và tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn toàn tỉnh, hướng dẫn giải quyết những hồ sơ đang còn tồn đọng; trả lời đơn thư, tra cứu thông tin mộ, di chuyển hồ sơ… theo đúng quy định.
Tiếp tục giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng; trên 96% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công; 100% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 100% công trình liệt sĩ được xây dựng đảm bảo kiên cố, sạch sẽ, tôn nghiêm; vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên 3 tỷ đồng. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong công tác thực hiện chính sách đối với người có công. Phát huy vai trò của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội; người đứng đầu cơ quan trong việc tham gia giám sát thực hiện chính sách người có công. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội.
Xin cảm ơn ông!