Nghĩa trang liệt sĩ trực tuyến - nhịp cầu xoa dịu những nỗi đau
Trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tại Nghĩa trang liệt sĩ Sơn Tây (Hà Nội) Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ đã chính thức ra đời. Đây là kênh thông tin quan trọng để người dân tìm kiếm dữ liệu thông tin, hình ảnh chính xác về từng phần mộ, nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước.
Trên Cổng thongtinlietsi.gov.vn giống như một nghĩa trang liệt sĩ trực tuyến với dữ liệu của trên 846.700 mộ liệt sĩ tại hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ. Hơn 2,6 triệu bức ảnh mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ đã được cán bộ, nhân viên Bưu điện Việt Nam chụp lại. Mỗi ngôi mộ được chụp 3 bức ảnh: Chính diện bia, toàn thể ngôi mộ và khung cảnh rộng ngôi mộ cùng với các mộ xung quanh.
Cổng thông tin trực tuyến về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ không chỉ góp phần chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, mà còn là nghĩa cử tri ân đối với những người đã hy sinh vì đất nước. Thông qua Cổng thông tin trực tuyến, khoảng cách địa lý giữa thân nhân liệt sĩ với mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ cũng được rút ngắn đáng kể. Đặc biệt, với những thân nhân, gia đình liệt sĩ không có điều kiện đến tận các nghĩa trang để thăm mộ thì có thể vào Cổng thông tin để thăm viếng, tưởng niệm phần mộ liệt sĩ ngay tại nhà mình.
Các nội dung hiển thị trên Cổng thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ gồm: Danh sách các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước được phân chia rõ đến tận quận, huyện thuộc các tỉnh, thành phố; bản đồ chỉ đường đến nghĩa trang; hình ảnh tổng quan của nghĩa trang; sơ đồ khu mộ trong nghĩa trang; danh sách mộ, hình ảnh từng ngôi mộ trong nghĩa trang. Riêng tại 5 nghĩa trang: Đường 9, Trường Sơn, Tân Biên, Việt Lào và Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Thuận có thể hiển thị bản đồ Google Maps.
Là con của liệt sĩ Nguyễn Chí Dưỡng, bà Nguyễn Thị Thìn ở xã Song Phương, huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, từ khi có Cổng thông tin trực tuyến về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, bà thường xuyên truy cập website thongtinlietsi.gov.vn với hy vọng sớm tìm kiếm được thông tin về người cha của mình. "Chiến tranh qua đi đã lâu, nhưng đến nay gia đình tôi vẫn chưa tìm được phần mộ của bố mình. Bố tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ và giấy báo tử gia đình nhận được ghi ông hy sinh tại chiến trường miền Nam. Tôi hy vọng một ngày nào đó gia đình tra được thông tin hay có được manh mối nào trên website thongtinlietsi.gov.vn về phần mộ của bố mình", bà Thìn chia sẻ.
Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Lợi cho biết, thời gian qua Cổng thông tin trực tuyến về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ thực sự đi sâu vào đời sống và trở thành kênh thông tin hữu ích phục vụ công tác quản lý của cơ quan chức năng và nhân dân. Hiện Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ luôn được duy trì ổn định. Tính đến nay, tổng số lượt truy cập vào Cổng đạt trên 260.000 lượt. Có thời điểm đạt mức 40.000 - 50.000 lượt truy cập/ngày. Trung bình mỗi ngày đạt 700 lượt truy cập; tổng số tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ do người dân cung cấp thông qua Cổng đạt gần 700 tin.
"Đã có 20 gia đình thân nhân tìm được mộ liệt sĩ thông qua việc tra cứu và tìm kiếm thông tin trên Cổng, đồng thời cung cấp thêm nhiều thông tin quan trọng liên quan đến các liệt sĩ và mộ liệt sĩ. Đây là niềm vui lớn không chỉ với các gia đình liệt sĩ mà còn với cả các đơn vị xây dựng Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ; là một trong những hướng đi quan trọng trong công tác xác định thông tin liệt sĩ", Cục trưởng Cục Người có công chia sẻ.
Hiện đại hóa việc quản lý hồ sơ người có công
Trước đây, việc quản lý, lưu trữ và tra cứu hồ sơ người có công được thực hiện thủ công, theo dõi trên sổ quản lý bằng giấy. Việc tìm kiếm tài liệu khó khăn, mất thời gian và nhiều nhân lực, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện kịp thời giải quyết chế độ chính sách của người có công và hiệu quả thủ tục hành chính. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đã sớm xây dựng Đề án số hóa hồ sơ người có công.
Là địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện việc số hóa hồ sơ cho người có công, ngay từ năm 2018, tỉnh Phú Thọ đã bắt tay vào thực hiện công tác này. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng Phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Thọ) cho biết, song song với việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công, những năm qua địa phương đã chú trọng sắp xếp, bảo trì và lưu trữ số hóa tài liệu hồ sơ người có công. Để số hóa hồ sơ người có công, tỉnh đã triển khai Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin số hóa hồ sơ người có công nhằm đáp ứng công tác quản lý và nhu cầu thông tin cần được cung cấp đầy đủ và kịp thời khi giải quyết chính sách.
"Hiện toàn tỉnh có trên 250.000 hồ sơ người có công với cách mạng. Việc số hóa hồ sơ người có công đã giúp cho địa phương dễ dàng tra cứu thông tin phục vụ trách nhiệm quản lý, giải quyết chính sách đối với người có công với cách mạng theo hướng hiện đại, an toàn và chính xác", bà Thủy cho biết.Từ năm 2020 trở về trước, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên vẫn thực hiện lưu trữ, tiếp nhận hồ sơ người có công theo cách thủ công. Với hàng trăm nghìn hồ sơ, việc quản lý tốn rất nhiều thời gian, dễ nhầm lẫn, chưa kể qua nhiều lần tra lục khiến hồ sơ dần bị rách, nhàu nát, khó tra cứu. Để thực hiện tốt hơn công tác quản lý hồ sơ người có công với cách mạng, Thái Nguyên đã triển khai Dự án Số hóa tài liệu bảo quản lưu trữ hồ sơ và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ người có công trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Sở đã hoàn thiện số hóa 130.000 hồ sơ người có công với cách mạng.
Ông Bàn Phúc Quang, Trưởng Phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên) cho biết: Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của số hóa hồ sơ người có công, ngay sau khi có sự chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, Phòng Người có công đã chủ động tham mưu, phối hợp các đơn vị thực hiện số hóa hồ sơ đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. Việc khai thác hồ sơ lưu trữ ở dạng giấy chuyển sang khai thác dạng file điện tử không chỉ giúp tiết kiệm thời gian đi lại của người dân, bảo đảm cung cấp nhanh, chính xác các thông tin liên quan trong hồ sơ của người có công, mà thông qua đó còn giúp cho ngành thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước bằng ứng dụng công nghệ thông tin.
Ông Đào Ngọc Lợi cho biết thêm: Việt Nam có hơn 9,2 triệu người có công. Hầu hết giấy tờ chứng thực của người có công có từ lâu là bản giấy nên việc lưu trữ tài liệu gặp nhiều khó khăn. Việc lưu trữ hệ thống văn bản truyền thống có nhiều hạn chế như cồng kềnh, tốn diện tích, dễ hỏng hóc, khó tra cứu. Bởi vậy, việc số hóa hồ sơ người có công góp phần tích cực vào việc quản lý hồ sơ, hỗ trợ cho việc lưu trữ tài liệu bằng chứng và quản lý thực hiện chính sách người có công. "Số hóa hồ sơ người có công sẽ giảm thiểu việc tra cứu trực tiếp đối với các loại hồ sơ đặc biệt quan trọng, tình trạng vật lý kém và có tần suất khai thác nhiều, nhằm tiết kiệm thời gian, nhân lực, kinh phí trong việc bảo quản tài liệu hồ sơ".