Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Tạo mọi điều kiện để chăm lo, bảo trợ, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh điều này tại buổi làm việc với Hội Nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam vào sáng ngày 20/8.

 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ và Hội giai đoạn 2017 - 2022.  

Báo cáo, kết quả hoạt động phối hợp giữa Bộ LĐ –TB&XH và Hội Nạn da cam/dioxin Việt Nam cho thấy, những năm qua, Hội và Bộ đã có sự phối hợp chặt chẽ trên các mặt công tác để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người hoạt động kháng chiến, con đẻ của họ và nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Trong nghiên cứu đề xuất chính sách cũng như trong tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, Bộ LĐ-TB&XH và Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ. Bộ luôn coi trọng trao đổi và tiếp thu các ý kiến đề xuất của Hội trong các văn bản về chính sách, từ soạn thảo Pháp lệnh, Nghị định đến Thông tư hướng dẫn thực hiện (Pháp lệnh 04, Nghị định 31, Thông tư 05, Thông tư liên tịch 41, Thông tư 20 hay dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điếu Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng...).

Hai bên đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác thăm hỏi, động viện tặng quà nhân ngày lễ, tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Ngày vì nạn nhân chất độc da cam hàng năm; ủng hộ, trợ giúp những nạn nhân bị bệnh tật nặng, có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn. Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp nhận những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học vào điều dưỡng, an dưỡng ở các Trung tâm bảo trợ xã hội của bộ, Sở LĐ-TB&XH. Bộ còn tạo điều kiện cho Hội xây dựng phát triển hệ thống Trung tâm BTXH nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, đào tạo nghề cho nạn nhân chất độc da cam; đã hướng dẫn, hỗ trợ Hội tham gia chương trình trợ giúp xã hội như đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên các hội về chính sách trợ giúp đối tượng yếu thế, nghiệp vụ công tác xã hội, kỹ năng sống cho người khuyết tật; hỗ trợ đào tạo nghề, sinh kế cho người khuyết tật, trợ giúp đối tượng hòa nhập cộng đồng…

 

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh trao Kỷ niệm chương "Vì nạn nhân chất độc da cam" cho Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

 

Thời gian qua Hội Nạn nhân đã vận động xã hội hóa ủng hộ tiền và hiện vật để giúp đỡ nạn nhân. Đến 31/11/2016 các cấp hội đã vận động được hơn 1400 tỷ đồng, trong đó các tổ chức, cá nhân nước ngoài ủng hộ hơn 110 tỷ (gồm cả hiện vật). Tiền quỹ được quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả đối với nạn nhân. Cụ thể: Hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 1671 nhà; trợ cấp 3382 suất học bổng, 407 suất tìm việc làm; 172.356 suất khám chữa bệnh và vốn sản xuất; xây dựng 24 cơ sở nuôi dưỡng bán trú, phục hồi chức năng và dạy nghề cho hàng nghìn nạn nhân…

Đánh giá cao những kết quả đạt được của Hội Hỗ trợ nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, đặc biệt trong việc tham góp xây dựng chủ trương chính sách cơ chế, những quy định của pháp luật liên quan đến người tham gia hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ cũng như chính sách đối với nạn nhân chất độc hóa học thời gian vừa qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Đây là một lĩnh vực rất đặc biệt và những người đặc biệt đó đang phải gánh chịu hậu quả do cuộc chiến tranh kéo dài để lại mà xã hội và nhân dân phải có trách nhiệm tri ân người có công nhưng đồng thời có trách nhiệm chăm lo, bảo trợ, hỗ trợ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam”.

Bộ trưởng cho biết thêm, 70 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giành tình cảm, trách nhiệm và sự tri ân sâu sắc đối với người có công (NCC) nên nhìn chung hầu hết những NCC đều đã nhận được chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và phần đông số này có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình nơi dân cư. “Tuy nhiên, trong số này còn một bộ phận NCC trong đó có người tham gia hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ vì nhiều lý do khác nhau nên đến nay họ chưa được hưởng hoặc hưởng không đầy đủ chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước. Một bộ phận nạn nhân chất độc hóa học còn gặp không ít khó khăn, có cuộc sống éo le (hiện nay có khoảng 3 triệu nạn nhân chất độc da cam, cả nước đã xác nhận 320.000 người tham gia hoạt động và kháng và con đẻ hưởng chế độ chất độc hóa học). Vì vậy, cuộc chiến này, gánh nặng này, việc trả nợ người có công và chăm lo, bảo trợ nạn nhân của chiến tranh còn rất nan giải”.

 

 

 Do đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Hội Nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam thời gian tới tiếp tục, phối hợp với Bộ sửa toàn diện pháp lệnh ưu đãi NCC trong đó có nhiều đối tượng chưa cập nhật vào chưa bổ sung thì phải bổ sung. Đề nghị Hội phối hợp với ngành LĐ-TB&XH tiến hành tổng rà soát 2 đối tượng người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ và nạn nhân chất độc hóa học để có số liệu chính thức. Phối hợp với Bộ, tập trung giải quyết 5.900 hồ sơ người có công trong năm 2017 và phấn đấu giải quyết cơ bản hồ sơ NCC tồn đọng vào năm 2020. Đề suất với Tổng Cục dạy nghề những nghề phù hợp để đào tạo cho nạn nhân chất độc hóa học đồng thời rà soát lại các cơ sở bảo trợ đang chăm sóc nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam.

Cùng ngày Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Thượng tướng  Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân Da cam/dioxin Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp công tác giữa Hội và Bộ giai đoạn 2017 - 2022.  

 

Nội dung Chương trình gồm:  

1. Phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền vận động thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; về các chế độ chính sách đối với người bị nhiễm chất độc hóa học (người hoạt động kháng chiến và người dân); phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, trợ giúp nạn nhân vào các dịp lễ, Tết và ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam” 10/8 hàng năm. Phối hợp thực hiện các phong trào, các hoạt động liên quan đến trợ giúp các nạn nhân chất độc da cam/dioxin từ Trung ương tới địa phương.

2. Phối hợp rà soát, thống kê người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học làm cơ sở xây dựng, sửa đổi chính sách, đề xuất cơ chế giải quyết những vướng mắc trong thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

3. Phối hợp về việc chăm sóc, giúp đỡ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang được điều dưỡng tại các Trung tâm điều dưỡng người có công và nạn nhân chất độc hóa học đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ xã hội. Giúp đỡ các cơ sở xông hơi giải độc cho nạn nhân theo phương pháp HUBBARD không đặc hiệu.

4. Hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin có thu nhập để ổn định đời sống, từng bước hòa nhập cộng đồng. Phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Hội đạt chuẩn theo quy định và phù hợp với hoạt động đào tạo nghề đối với đối tượng là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Vận động các tổ chức cá nhân tài trợ cho các hoạt động dạy nghề và bố trí việc làm cho con, cháu nạn nhân.

5. Mở rộng các hoạt động đối ngoại để cộng đồng quốc tế hiểu hơn về hậu quả chất độc hóa học ở Việt Nam, tăng cường vận động nguồn lực và sự đồng thuận của quốc tế trong trợ giúp, khắc phục hậu quả chất độc hóa học tại Việt Nam, ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân da cam khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân.