Tham dự buổi lễ có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, đại diện các sở, ban nghành, phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố và đông đảo thân nhân của các liệt sĩ.
Tại hội nghị ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thái Bình thông tin: Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã chọn Thái Bình là 1 trong 5 tỉnh trong cả nước triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng. Theo kết quả tổng rà soát, toàn tỉnh Thái Bình còn tồn đọng 91 trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ, 282 trường hợp đề nghị xác nhận thương binh.
Sau 3 năm triển khai, thực hiện, đến nay, Thái Bình đã đề nghị Bộ LĐ–TB&XH, các bộ, ngành Trung ương thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ cấp 65 Bằng Tổ quốc ghi công cho các liệt sĩ. Đề nghị Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng thẩm định giải quyết 257 trường hợp hưởng chính sách đối với thương binh (theo Thông tư 28). Những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích thấu tình đạt lý cho đối tượng.
Ông Nguyễn Hồng Diên - Bí Thư tỉnh ủy Thái Bình và Đặng Trọng Thăng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trao bằng Tổ Quốc ghi công cho các thân nhân liệt sĩ.
Riêng dịp kỷ niệm 27/7/2019, tỉnh Thái Bình đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền xác nhận liệt sĩ cho 32 trường hợp. Đến nay, các bộ, ngành Trung ương đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 19 liệt sĩ.
Trong số 19 liệt sĩ được công nhận hôm nay, 8 liệt sĩ hy sinh từ những thập niên 40, 50 của thế kỷ trước. Người đã hy sinh cách đây lâu nhất là cụ Đinh Gia Tòng - Việt Minh thôn Giới Phúc, thuộc xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Cụ sinh năm 1902. Đầu năm 1945, Việt Minh thôn giới Phúc thành lập một tổ phá kho thóc của Nhật do cụ Đinh Gia Tòng trực tiếp chỉ huy, thực hiện phá kho thóc vào sáng 25/2/1945 chia cho dân làng. Sau đó, cụ bị bọn tay sai trong làng chỉ điểm cho lính tới bắt, đưa lên bốt Dục Linh tra tấn, xét hỏi 2 ngày 2 đêm. Mặc dù bị tra tấn dã man nhưng cụ một mực không khai báo. Cuối cùng, giặc Nhật mang cụ ra sân vận động Dục Linh cắt đứt 2 gót chân trước mặt dân chúng. Ngày 28/2/1945, giặc cho người đưa về nhà. Do thương tích quá nặng, cụ đã qua đời vào ngày 5/3/1945. Sau nhiều năm thu thập thông tin, chứng cứ, đến nay, sau 74 năm mới xác lập và hoàn thiện được hồ sơ.
Hay trường hợp cụ Phạm Phú Cò, cụ Trần Văn Đát thuộc xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy, là đội viên Đội du kích chủ lực thuộc xã Thụy Việt huyện Thái Thụy, tháng 4/1951, địch càn quét xã Việt Hưng đồng thời bắt giữ dân lành. Do có bọn chỉ điểm nên chúng biết các cụ: Nguyễn Văn Khiết, Phạm Công Thang, Trần Văn Đát, Phạm Phú Cò là đội viên du kích của xã, chúng bắt giữ tra tấn nhưng không khai thác được gì nên đã đưa cả 4 cụ ra Vụng Hống thôn hệ thuộc xã Thụy Ninh bắn chết và vứt xác xuống sông, không tìm thấy xác. Tuy nhiên, 2 cụ Nguyễn Văn Khiết và Phạm Công Thang đã được suy tôn liệt sĩ từ năm 1989. Cụ Phạm Phú Cò, Trần Văn Đát đến nay sau 68 năm mới hoàn thiện được hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ và được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công. Hoặc có trường hợp như cụ Hoàng Tất Đạtsinh năm 1930, quê quán xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, là Tiểu đội trưởng, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia chiến đấu tại đơn vị C30, e2 pháo độc lập tại Đông Triều, Quảng Ninh. Trong trận chiến đấu chống lại giặc Pháp tháng 2/1954, cụ đã hy sinh xong đến nay sau 65 năm mới hoàn thiện được hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ và được Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công...
Đoàn Đại biểu tỉnh Thái Bình dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 tỉnh Quảng Trị.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Lĩnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ghi nhận những công lao đóng góp to lớn của hàng ngàn người con ưu tú quê lúa Thái Bình đã ngã xuống dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, vĩnh viễn không quay trở về với người thân, với gia đình và quê hương. Với phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, Phó Chủ tịch UBND Thái Bình đề nghị các cấp, ngành, địa phương cố gắng hơn, quyết tâm hơn và sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các ngành và các địa phương để thực hiện tốt hơn nữa chính sách ưu đãi đối với người có công và giải quyết hồ sơ tồn đọng nói riêng. Để phấn đấu đến năm 2020, Thái Bình sẽ giải quyết căn bản vấn đề này theo chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH.