Theo đó, Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa là tổ chức xã hội tự nguyện; tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành có liên quan về lĩnh vực hoạt động của Hội.
Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Hội tự bảo đảm kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/12.
Thanh Hóa là tỉnh có số lượng người có công với cách mạng lớn với gần 350.000 người, trong đó hơn 4.600 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 56.000 liệt sĩ, 860 cán bộ lão thành cách mạng, 444 cán bộ tiền khởi nghĩa, 104 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động; 43.571 thương binh, 15.959 bệnh binh, 14.935 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, 1.065 người có công giúp đỡ cách mạng, 1.636 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 210.833 người tham gia kháng chiến được tặng huân chương, huy chương...
Trong những năm qua, việc thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng và thân nhân luôn được tỉnh Thanh Hóa thực hiện đúng, đủ, kịp thời.
Tỉnh Thanh Hóa có trên 99,8% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, 100% xã, phường, thị trấn được công nhận thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công. 100% các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời.
Cùng với việc chăm sóc, tri ân những người còn sống, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; xây dựng, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, công trình tưởng niệm liệt sĩ cũng đã được chú trọng.
Bên cạnh đó, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”... đã trở thành hoạt động thường xuyên, phát huy được sức mạnh của cộng đồng chăm lo gia đình người có công với nước.
Đến nay, hầu hết người có công với cách mạng và thân nhân người có công đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở.
Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.