Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người có công và thân nhân
Toàn tỉnh Thanh Hoá hiện đang quản lý gần 349.470 người có công với cách mạng, gồm: 4.630 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện 94 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống); hơn 55.930 liệt sĩ; 860 cán bộ lão thành cách mạng.
Có 444 cán bộ tiền khởi nghĩa; hơn 43.570 thương binh; gần 15.960 bệnh binh; gần 14.540 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.
Và có 1.065 người có công giúp đỡ cách mạng; 1.636 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; hơn 210.830 người tham gia kháng chiến được tặng huân chương, huy chương.
Hằng năm, ngành LĐ-TB&XH đã tổ chức điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình cho gần 28.000 người có công, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người có công và thân nhân theo quy định.
Hiện nay có gần 69.470 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng hằng tháng. Đến nay, đời sống của các đối tượng chính sách cơ bản ổn định, hơn 99,8% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc. Các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng, nhất là thương binh nặng.
Lan toả chính sách người có công với cách mạng
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hoá Vũ Thị Hương cho biết: “Để đạt được những kết quả trên là do có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Bộ LĐ-TB&XH, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hoá, sự nỗ lực của ngành LĐ-TB&XH.
Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hoá luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình có công với cách mạng. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" là hoạt động thường xuyên, phát huy được sức mạnh của cộng đồng chăm lo gia đình có công với đất nước”.
Thanh Hoá đã luôn nỗ lực, cố gắng chăm sóc người có công với ý thức không chỉ là bổn phận, đạo lý, là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự với các cấp, ngành, tổ chức xã hội và người dân.
Nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân trong tỉnh đã tích cực tham gia phong trào phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng tặng nhà tình nghĩa, xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa".
Công tác chăm sóc người có công với nước đã được triển khai thực hiện thường xuyên, sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều việc làm cụ thể, hình thức phong phú, sáng tạo.
Thương binh 2/4 Hoàng Văn Sơn sinh năm 1954, ở phường Điện Biên, Thành phố Thanh Hoá cho biết: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các chính sách người có công ngày càng được nâng cao, các thương binh như chúng tôi càng ngày càng được quan tâm, chăm sóc nhiều hơn.
Ngày lễ, ngày tết gia đình tôi luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền đến thăm hỏi và động viên. Đó chính là những nguồn động viên tinh thần to lớn để những thương binh như tôi vươn lên trong cuộc sống, vượt qua bệnh tật, vui khoẻ cùng gia đình", ông Sơn chia sẻ thêm.
“Năm 2024, Thanh Hoá tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với người có công; đẩy mạnh các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, huy động nguồn lực của xã hội, cộng đồng chăm lo đời sống người có công”, bà Hương thông tin thêm.
Đến nay, tỉnh Thanh Hoá đã giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng; trên 97% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công.
Trên 99,8% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; các công trình liệt sĩ được xây dựng đảm bảo kiên cố, sạch sẽ, tôn nghiêm; vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.
Thanh Hoá tiếp tục phát huy vai trò của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia giám sát, phối hợp thực hiện chính sách người có công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công khai chế độ chi trả chính sách ưu đãi người có công.
Phấn đấu trên 98% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; trên 96% số xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công.
Nhân dịp Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ vừa qua, tỉnh Thanh Hoá đã dành trên 27,573 tỷ đồng để thăm, tặng quà cho 91.912 gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
“Trong thời gian tới, Thanh Hoá tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội. Vận động toàn dân thực hiện tốt phong trào chăm sóc gia đình và người có công; xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa nhằm tăng cường nguồn lực xã hội hóa trong việc hỗ trợ, chăm sóc gia đình chính sách.
Lan toả chính sách người có công với cách mạng. Huy động mọi nguồn lực chăm sóc cho gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, phát huy được sức mạnh của cộng đồng chăm lo gia đình có côngvới những truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc”, bà Hương nhấn mạnh.