Báo cáo về việc thực chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Kon Tum Nguyễn Thanh Tính cho biết, đến nay, tỉnh Kon Tum đã xác lập hồ sơ, tiếp nhận và giải quyết chế độ cho 51.921 người, trong số đó có 3.059 người được công nhận liệt sĩ; 6 người được công nhận cán bộ lão thành cách mạng; 42 người là cán bộ tiền khởi nghĩa; 15 người được công nhận Anh hùng lực lượng vũ trang; 126 Mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; 282 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày; 2.124 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 2.688 bệnh binh; gần 1.500 người trực tiếp tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hoá học; 3.183 người có công giúp đỡ cách mạng; 37.628 người tham gia hoạt động kháng chiến hưởng trợ cấp một lần; thân nhân hưởng tuất là 1.128 người. Hiện số đối tượng người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của tỉnh là 5.272 người.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tính, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" luôn được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Tỉnh luôn tổ chức tốt hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho người có công, thân nhân người có công nhân dịp tết Nguyên đán và Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7). Nhân dịp Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, Kon Tum đã tặng 8.892 suất quà, kinh phí là 2.468.130.000 đồng; phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh ra lời kêu gọi, vận động toàn xã hội ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; thực hiện tốt phong trào chăm sóc người có công. Đến nay 99,37% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của dân cư nơi cư trú; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Tại buổi tiếp đoàn, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan bày tỏ sự tri ân sâu sắc tới các đại biểu người có công với cách mạng đồng thời đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các cấp chính quyền và nhân dân đối với việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, tháng 12/2020, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cánh mạng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua. Việc sửa đổi Pháp lệnh lần này nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013; Chỉ thị số 14 ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ưu đãi người có công với cánh mạng; sửa đổi, bổ sung và khắc phục các tồn tại, hạn chế của chính sách trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách; việc xác nhận người có công sẽ được thực hiện chặt chẽ, tương xứng với sự hy sinh, đóng góp của người có công, là những tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội; đồng thời chính sách ưu đãi sẽ được rà soát, điều chỉnh theo hướng tốt hơn đối với đối tượng thụ hưởng chính sách, có tính khả thi.
Trong năm 2021, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, dự kiến sẽ trình cấp có thẩm quyền ban hành vào tháng 7/2021. Đồng thời, nhân kỉ niệm 74 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ, Bộ cũng trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ trì việc tổ chức gặp mặt 500 đại biểu người có công với cách mạng.
Thông qua những phát biểu chia sẻ tâm tư, tình cảm của các bác, các cô chú trong đoàn, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho rằng đây là cơ hội để Bộ LĐTB&XH nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng để có thể tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Thứ trưởng cũng gửi tới các đại biểu lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc, nhiều niềm vui trong cuộc sống; đồng thời mong muốn các đại biểu người có công tiêu biểu của tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu, là tấm gương quý để giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng phong trào ở địa phương. Cùng với đó là tiếp tục tham gia ý kiến với các cấp, các ngành trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.