Hơn một năm nay, dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của toàn bộ xã hội, trong đó có cả đối tượng NCC. Mặc dù được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng, song những đối tượng này vẫn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Vì thế, trong nhóm các đối tượng được hưởng gói hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 13.790 người có công với cách mạng được nhận hỗ trợ kịp thời với tổng kinh phí 20,685 tỷ đồng. Bên cạnh chế độ hỗ trợ, đời sống tinh thần, sức khoẻ của đối tượng NCC thời gian qua cũng luôn được Thừa Thiên Huế quan tâm, bảo đảm an toàn trước dịch bệnh.
Hiện nay, ngành chức năng luôn thực hiện đúng, đủ, kịp thời chế độ trợ cấp hàng tháng cho hơn 18.000 NCC trên địa bàn với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng và thực hiện trợ cấp một lần cho những đối tượng trong diện. Nhân các ngày lễ, tết, kỷ niệm..., các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp đẩy mạnh phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa", với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, thể hiện đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn" và bản chất, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, trong những năm qua, ngoài đóng góp của các tổ chức chính trị xã hội và cá nhân hảo tâm, các xã, phường đều rất tích cực trong công tác chăm sóc NCC. Các địa phương tổ chức gặp mặt, tặng quà, thăm hỏi, động viên NCC và thân nhân NCC trên địa bàn. Năm 2020, có 145/145 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác chăm sóc NCC với cách mạng. Đến nay, toàn tỉnh có 54 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống. Các mẹ đều được các cơ quan, tổ chức chăm sóc, phụng dưỡng đến suốt đời. Hàng tháng, quý và nhân dịp lễ, tết hoặc những lúc ốm đau, các đơn vị nhận phụng dưỡng kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà các mẹ. Chính quyền, các đoàn thể ở địa phương cũng thường xuyên quan tâm, nắm bắt tình hình đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của các mẹ, kịp thời báo cáo và tham mưu các cơ quan liên quan hỗ trợ khi các mẹ gặp khó khăn.
Với kinh phí điều dưỡng Trung ương phân bổ hằng năm, ngành chức năng đã xem xét, phân bổ các suất điều dưỡng tập trung, điều dưỡng ngoại tỉnh và điều dưỡng tại gia đình theo đúng chế độ.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đã kịp thời chi trả đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng; các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn" được quan tâm; đã phối hợp, tham mưu, hướng dẫn, tổ chức công tác thăm hỏi, tặng quà người có công nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.Tổ chức, tặng 42.289 suất quà của Chủ tịch nước, tỉnh, huyện và xã cho người có công với tổng số tiền 13,521 tỷ đồng. Phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND TP Huế tổ chức Lễ truy điệu, an táng liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước Công hòa Dân chủ Nhân dân Lào đưa về nước. Hướng dẫn Đại học Huế lập hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với sinh viên đã dũng cảm cứu người tại bãi biển Thuận An.
Nhân dip kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021), Thừa Thiên Huế sẽ tập trung thực hiện tốt phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân người có công. Các cấp, các ngành, các địa phương tại Thừa Thiên Huế cũng sẽ tổ chức thăm hỏi, tặng quà đối tượng người có công; tổ chức viếng, đặt vòng hoa tại các nghĩa trang liệt sĩ; công tác mộ, nghĩa trang, công trình ghi công liệt sĩ. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức Đoàn đại biểu người có công thăm thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể tiếp tục quan tâm hỗ trợ, động viên, chăm lo đời sống cho người có công với cách mạng, với thương binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.