Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Tình cảm ấm áp ở Trung tâm Điều dưỡng Người có công Lâm Đồng

Công tác phục vụ cho đối tượng người có công Cách mạng thực hiện đúng quy định của Bộ LĐ-TB&XH. Trung tâm luôn được đối tượng NCC đến nghỉ dưỡng đánh giá cao về phong cách phục vụ của cán bộ viên chức và người lao động của Trung tâm.

Trong những năm qua, thực hiện chức năng nhiệm vụ chăm sóc, điều dưỡng  người có có công (NCC) với Cách mạng, Trung tâm Điều dưỡng NCC Lâm Đồng đã tổ chức điều dưỡng trên 15.000 lượt NCC đến nghỉ dưỡng. Với sức chứa 80 giường, trung bình mỗi năm Trung tâm đón trên, dưới 2.000 lượt đối tượng các tỉnh phía Nam; miền Trung- Tây nguyên và các tỉnh miền Đông, tây Nam bộ.

Sau gần 10 năm Trung tâm điều dưỡng NCC Tỉnh Lâm Đồng đi vào hoạt động, cán bộ viên chức và người lao động Trung tâm luôn lắng nghe và thấu hiểu những tâm tư tình cảm của đối tượng NCC đến nghỉ dưỡng tại Trung tâm.  NCC đến nghỉ dưỡng luôn cảm ơn Đảng nhà nước đã xây dựng những Trung tâm Điều dưỡng NCC ở những vị trí du lịch tốt nhất và hỗ trợ kinh phí hàng năm để đưa họ đến nghỉ dưỡng. Nếu như không có chính sách điều dưỡng tập trung thì không bao giờ đối tượng NCC được đi nghỉ dưỡng.

Khi tận mắt nhìn thấy Bộ LĐ-TB&XH đang tiếp tục đầu tư trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh Lâm Đồng (giai đoạn 2) gồm 4 khối nhà điều dưỡng, 1 khối nhà sinh hoạt chung và một khối nhà luyện tập đa năng; nâng công suất điều dưỡng từ 80 giừờng lên 170 giường nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ NCC trong khu vực đến nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe, NCC đến nghỉ dưỡng hết sức vui mừng ,vì sắp tới họ có nơi điều dưỡng đầy đủ tiện nghi hơn.                                

                             

Đoàn NCC tỉnh Quảng Ngãi điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh Lâm Đồng     

 Điều đáng trân trọng nhất là tình cảm của các mẹ, các cô, các chú, các bác NCC với Cách mạng trong tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh miền Trung, Tây nguyên, miền Đông và miền Tây Nam bộ đến với Trung tâm như người thân ở xa trở về gia đình. Bác sỹ Trần Văn Chỉnh, NCC ở quận 5 – TP. Hồ Chí Minh, đến nghỉ điều dưỡng tại Trung tâm đã xúc động sáng tác những dòng thơ ấm áp tình cảm: “Đến đây như trở về nhà.Trẻ, già hạnh ngộ như là thân nhân”.

Trong cuốn sổ vàng lưu niệm tại Trung tâm, chúng tôi  đọc được những lời tự sự, kể lại kỷ niệm những năm tháng ở chiến trường rất nhiệu kỷ niệm của một thời chiến tranh. Không tiếc máu rơi, quyết một lòng gìn giữ non sông của các cô, các chú, các bác NCC ghi lại những xúc cảm trong những ngày điều dưỡng tại Trung tâm. Đọc những dòng trạng thái đó, chúng tôi thấy được niềm tin mãnh liệt của họ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; thấu hiểu được những hy sinh mất mát mà chiến tranh đã để lại cho gia đình và bản thân họ.

Qua tiếp xúc, chúng tôi nghe được những câu chuyện vô cùng dũng cảm của các bác, các cô các chú như Bác Võ Viên, sinh năm 1920, đoàn người có công tỉnh Gia lai, một cán bộ tiền khởi nghĩa, tiểu đội trưởng du kích Ba tơ, tham gia cướp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi tháng 8/1945, bác đã hy sinh cả cuộc đời cho Cách mạng cho đến ngày về hưu. Hay tâm sự của bác Dương Hồng Minh, một lái xe Trường Sơn được bác Lê Thị Tú, một thanh niên xung phong hiện cư trú ở Lộc Sơn, Bảo Lộc ,Lâm Đồng kể lại một lần họ gặp nhau trong chớp nhoáng ở Đường 9 Nam Lào, xe Bác Minh bị chết máy và được Bác Tú giật cho xe nổ máy để vượt qua mưa bom bão đạn tiến vào giải phóng miền Nam thân yêu. Sau hơn bốn mươi năm họ nhận ra nhau tại Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh Lâm Đồng.

Đoàn NCC huyện Đơn Dương và Di linh (Lâm Đồng) điều dưỡng tại Trung tâm

Tay bắt mặt mừng, cảm động kể lại những giây phút hết sức đáng tự hào ở lứa tuổi đôi mươi để giáo dục con cháu hôm nay. Hòa bình lập lại, họ là những tấm gương sản xuất giỏi, nuôi con khỏe dạy con ngoan. Gặp nhau đây, có những  bác từng là cấp chỉ huy, cấp lãnh đạo, là thanh niên xung phong, là Bác sỹ, y tá là giáo viên, là nhà báo . . . đã từng tham gia các chiến dịch giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Họ về điều dưỡng tại Trung tâm, cũng là dịp ôn lại kỷ niệm một thời “ xẻ dọc trường sơn đi cứu nước - mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Hiện nay, NCC với Cách mạng đa số tuổi cao, sức yếu do vết thương chiến tranh để lại; nhiều đối tượng có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, ít được đi thăm quan, du lịch. Chúng tôi rất xúc động có những bác là đồng bào dân tộc thiểu số kể chuyện rất hồn nhiên: kết thúc chiến tranh mình về ở trong rẫy lại trồng, lại trỉa lo cho cái bụng nó đói, đâu  có dịp mà gặp được mấy con ở ngoài này. Có những bác tâm sự nhờ ơn Đảng và Nhà nước mà mình mới được về đây điều dưỡng, về đây găp đồng chí, đồng đội gặp các con là bác mừng lắm.

Trong tâm khảm của  chúng tôi, cũng chính những con người ấy năm xưa họ đã dũng cảm xông pha trong trận mạc, đói cơm, thiếu áo nhưng quyết không chịu khuất phục trước kẻ thù. Có những bác bị địch bắt tra tấn hết sức dã man nhưng quyết không khai, quyết giữ khí tiết cách mạng “ quyết một lòng gìn giữ non sông”. Trong chiến tranh họ đã sống hết sức cao đẹp, sống vì lý tưởng cách mạng. Trong thời bình họ là tấp gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.