Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Tự hào vì có bố là liệt sĩ

Vinh dự là một trong 9 đại biểu đại diện cho người có công tỉnh Hà Nam, tham dự Hội nghị Biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2017, anh Nguyễn Thế Hưởng, con trai Liệt sĩ Nguyễn Văn Hồng (sinh năm 1929, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) không khỏi xúc động, tự hào khi kể về người bố của mình.

 

Năm 1964, khi tôi mới lọt lòng được 8 tháng thì bố tôi đã xung phong nhập ngũ vào chiến trường miền Nam, tham gia bảo vệ tổ quốc, rồi hy sinh nên những ký ức về ông chỉ được tái hiện qua lời kể của mẹ và đồng đội, người thân. 

 

Anh Nguyễn Thế Hưởng, con trai Liệt sỹ Nguyễn Văn Hồng không khỏi xúc động, tự hào khi kể về người bố của mình.

 

Kể về bố - Liệt sĩ Nguyễn Văn Hồng, anh Hưởng không khỏi tự hào: "Bố tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, tham gia nuôi giấu bộ đội hoạt động bí mật trong những năm kháng chiến chống Pháp. Năm 1947, ông được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương. Năm 1950 nhập ngũ vào quân đội nhân dân Việt Nam thuộc đơn vị tỉnh đội Thái Bình, và từng được đơn vị tặng giấy khen bảo vệ đồng chí Đỗ Mười qua sông an toàn. Đến năm 1952, do sức khỏe yếu, ông được giải ngũ về công tác tại địa phương. Từ năm 1953 đến năm 1959 là chi ủy viên chi bộ xã Chung Lý (nay là xã Bắc Lý), xã đội trưởng, và tham gia dạy học bình dân học vụ, chủ nhiệm hợp tác xã tín dụng xã Chung Lý. Từ năm 1960 đến năm 1963, bố tôi công tác tại ủy ban hành chính huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam"
Giọng chậm rãi và hơi trầm xuống, anh Hưởng kể tiếp: "Theo tiếng gọi của non sông, tháng 6/1964, lúc này đã có 6 con nhỏ, nhưng do tình hình chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ nên ông xung phong tái ngũ vào chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi đó tôi tròn 8 tháng tuổi, chưa hình dung được bố như thế nào nên ký ức về cha đối với tôi là rất ít ỏi. Đến ngày 6/10/1966 ông đã anh dũng hy sinh, lúc bấy giờ đang là Chính trị viên phó đại đội, đơn vị C60. Ngày nhận tin dữ này, ngôi nhà nhỏ bé với người vợ cùng 6 con thơ như sụp đổ dưới chân, mẹ tôi đã nén đau thương, tần tảo nuôi dạy các con ăn học nên người và cũng là thực hiện lời hứa bố đã dặn dò trước khi lên đường.
Sau những năm tháng tàn khốc của cuộc chiến, những đau thương mất mát là sự gắn bó yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của những người trong gia đình, là nghị lực vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống. Mặc dù bố tôi hy sinh, một mình mẹ tôi nuôi dạy 6 người con khôn lớn trưởng thành, trong đó 4 người là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Gia đình có 3 người tham gia công tác trong quân đội, trong đó 1 người là sĩ quan. Gia đình tôi từng được Chính phủ tặng bằng khen và công nhận là gia đình cơ sở cách mạng. Bố tôi là niềm hãnh diện lớn lao của cả gia đình. Mỗi khi về nhà, nhìn thấy tấm bằng tổ quốc ghi công, bằng chứng nhận gia đình liệt sĩ, tôi cảm nhận rằng sự mất mát to lớn của những gia đình mất đi người thân vì chiến tranh. Tôi tự hào về bố không chỉ anh dũng ngoài chiến trận mà còn là người cha tuyệt vời, đã cống hiến cuộc đời mình cho đất nước.
Năm 1990, mẹ tôi vì bệnh tật rồi cũng bỏ anh em tôi mà đi. Tuổi thơ vắng bóng cha mẹ khiến anh em tôi thiệt thòi nhiều so với chúng bạn, khiến chúng tôi càng phải phấn đấu hơn trong cuộc sống. Truyền thống gia đình là điểm tựa vững chắc cho các thế hệ sau vững bước đi tiếp con đường của cha anh". 
Với năng lực công tác, được trải qua thử thách nhiều năm tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Nam, năm 2016 anh Nguyễn Thế Hưởng đã được bổ nhiệm chức vụ Chi cục trưởng chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Hà Nam. Tuy những ký ức về cha chỉ được nghe qua lời kể, nhưng trong tâm trí anh Hưởng, hình ảnh người cha luôn in đậm rõ nét, đó là điểm dựa tinh thần để ông phấn đấu noi gương, viết tiếp truyền thống cách mạng của gia đình.