Tháng 7 linh thiêng cũng là dịp để mọi người thể hiện sự tri ân đối với các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, các gia đình chính sách, có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng… Người dân miền “đất lửa” Quảng Trị đang thay mặt cả nước chăm lo chu đáo phần mộ của hàng vạn liệt sĩ đang yên nghỉ trên mảnh đất này.
Ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hồng.
Những đứa con ra đi không trở lại…
Dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ năm 2019, huyện Đoàn Triệu Phong tiếp tục tổ chức “bữa cơm tình mẹ” cho các Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống và thắp hương tưởng nhớ các mẹ đã khuất. Các mẹ đều có chồng và con hy sinh trong cuộc kháng chiến.
Anh Nguyễn Trịnh Điển – Bí thư Đoàn huyện Triệu Phong cho hay, năm thứ 3 đơn vị tổ chức “bữa cơm tình mẹ”, mỗi lần thăm các mẹ, anh em đoàn viên rất vui vì thấy các mẹ khoẻ mạnh, trò chuyện tươi cười với con cháu.
Sáng sớm, các thanh niên áo xanh đã tập trung đông đủ tại nhà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Đậu (sinh năm 1924, ở thôn Linh An, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong). Mẹ Đậu có 2 người con trai là liệt sĩ. Hiện mẹ sống với con trai út là ông Lê Công Bạch.
Mẹ Đậu nhìn lại di ảnh con trai liệt sĩ.
Chiến tranh đã cướp đi của mẹ 2 người con trai. Mấy chục năm trôi qua, nỗi đau trong lòng mẹ vẫn chưa thể nguôi. Mỗi lần nhìn di ảnh liệt sĩ, mẹ Đậu lại khóc trong lặng lẽ.
Ngày hôm nay, mẹ Đậu vui hơn vì có các đoàn viên đến thăm hỏi, động viên và trò chuyện cùng mẹ. Mẹ nói rằng: “Mẹ thấy tự hào vì các con của mẹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì quê hương, đất nước. Hôm nay, các con đến thăm hỏi, trò chuyện, nấu cơm cùng ăn với gia đình, khiến lòng mẹ phấn khởi lắm”.
Tuổi trẻ Quảng Trị đưa các mẹ thăm mộ liệt sĩ.
Chúc mẹ Đậu sống lâu hơn, anh Nguyễn Trịnh Điển – Bí thư Đoàn huyện Triệu Phong tâm sự: “Các mẹ được Đảng, Nhà nước, chính quyền thường xuyên quan tâm đầy đủ.
Ở tuổi này, các mẹ chỉ mong được sống vui vầy bên con cháu, niềm vui tinh thần là chủ yếu chứ các mẹ chẳng màng đến vật chất. Anh em đoàn viên cũng chỉ biết quan tâm mẹ những điều đơn giản, chân thành để mẹ vui hơn”.
Mẹ Phan Thị Cật (93 tuổi), cũng hiến dâng chồng mình và con trai cho Tổ quốc. Hiện mẹ sống với con trai Nguyễn Xuân An. Dẫu tuổi cao nhưng mẹ vẫn rất minh mẫn. Trò chuyện với các đoàn viên, mẹ cười vui phấn khởi hơn.
Mẹ Cật tâm sự: “Mẹ thấy vui vì nhận được sự quan tâm, chăm sóc của chính quyền, đoàn thể và con cháu. Nhưng niềm vui lớn nhất đối với mẹ là thấy con cháu sống khoẻ, hạnh phúc”.
Nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ, các đoàn viên cũng đến thắp nhang tri ân mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sau. Mẹ Sau vừa mất cách đây hơn 2 tháng.
Tặng quà cho các Mẹ Việt Nam anh hùng.
Ấm áp bữa cơm tri ân mẹ liệt sĩ
Kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019), Tỉnh đoàn Quảng Trị đồng loạt tổ chức “Bữa cơm gia đình - Ấm lòng tình mẹ” tại gia đình 45 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn, nhằm tri ân sự hy sinh cao cả của các Mẹ với Tổ quốc.
Đây là hoạt động thể hiện lòng biết ơn, tri ân sâu sắc của thế hệ trẻ với các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã có nhiều công lao, sự hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Dịp này, tuổi trẻ Quảng Trị đã tổ chức thăm hỏi, động viên và đưa đón các Mẹ đến viếng, thắp hương tại phần mộ các liệt sĩ, tổ chức cho đoàn viên thanh niên làm đẹp các phần mộ liệt sĩ, dâng hương, dâng hoa tại nghĩa trang liệt sĩ, tiến hành lau dọn các ban thờ, làm vệ sinh sân vườn, sửa chữa, bảo trì, thay mới hệ thống điện trong gia đình các Mẹ.
Tổ chức "Bữa cơm tình mẹ"
Anh Nguyễn Khánh Vũ - Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị chia sẻ: "Hai năm nay, vào những ngày lễ, tết, đoàn thanh niên Quảng Trị đều chọn những gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công để đến tổ chức bữa cơm gia đình.
Có thể đây là hành động nhỏ bé nhưng mỗi việc làm, mỗi cử chỉ của đoàn viên thanh niên chứa đựng tấm lòng biết ơn lớn lao đến thế hệ đi trước. Các bác mãi là hình ảnh đẹp để tuổi trẻ hôm nay noi gương, học tập".
Tỉnh Quảng Trị hiện có 20.055 liệt sĩ, 15.191 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, 2.693 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có 46 mẹ còn sống, 100% mẹ đều được phụng dưỡng; 3.008 bệnh binh, 52.057 người hoạt động kháng chiến hưởng trợ cấp một lần; 14.349 người có công giúp đỡ cách mạng…