Gần 80% lao động qua đào tạo
Theo ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Bình Dương đã xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực với nhiều nội dung cụ thể, phù hợp với từng đối tượng được đào tạo như đối với học sinh phổ thông là nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Với sinh viên các trường đại học, cao đẳng là đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao đến đầu tư tại tỉnh. Đối với công nhân - lực lượng lao động trực tiếp trong các nhà máy, công ty thì quan tâm đến việc đào tạo theo hướng tới nâng cao tay nghề, kỹ năng, tác phong công nghiệp...
Tỉnh đã phê duyệt Đề án đảm bảo nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, đến năm 2025 và hàng năm đều ban hành kế hoạch thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Ông Lê Minh Quốc Cường – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, hiện toàn tỉnh có 100 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Công tác đào tạo nghề cho người lao động tiếp tục được duy trì với nhiều hình thức và trình độ đào tạo khác nhau. Hàng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh khoảng 30.000 học viên với nhiều trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đến cuối năm 2018 đạt 76% và 26% lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ.
Dự kiến đến cuối năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh sẽ đạt 80% và 30% lao động qua đào tạo có văn bằng theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Bên cạnh đó, thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hàng năm tỉnh tổ chức dạy nghề cho 1.500 – 2.000 lao động nông thôn với nhiều ngành nghề nông nghiệp và phi nông nhiệp khác nhau.
Đào tạo theo nhu cầu thực tiễn
Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp với hơn 1 triệu lao động, trong đó lao động là người ngoài tỉnh chiếm hơn 70%. Trong các nhóm doanh nghiệp, lao động tại các doanh nghiệp có vốn nước ngoài có tỷ lệ công nhân kỹ thuật chiếm cao nhất, nhóm doanh nghiệp tư nhân có số lượng thợ bậc 1 - bậc 3 cao nhất và nhóm doanh nghiệp nhà nước có số người tốt nghiệp đại học cao nhất. Về trình độ chuyên môn tay nghề, số người là công nhân kỹ thuật các bậc chiếm 54,5%. Nhìn chung, với số lượng lao động hiện có cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cùng với các chính sách đào tạo của tỉnh, các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để thu hút các nhà quản trị doanh nghiệp, lao động có trình độ cao và lao động có tay nghề theo tiêu chuẩn, ngành nghề đang cần. Đồng thời trả lương và có các chế độ đãi ngộ tương xứng với vị trí việc làm, đài thọ chi phí và tạo điều kiện về mặt thời gian để người lao động tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc - Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, bám sát nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, từ khi thành lập đến nay, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông luôn chủ động đào tạo nhân lực theo nhu cầu thực tiễn, biến nguồn nhân lực được đào tạo theo chuẩn quốc tế trở thành một lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất thu hút đầu tư nước ngoài. Do đó, việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp để có đội ngũ sinh viên chắc kiến thức, vững tay nghề góp sức xây dựng tỉnh trở thành thành phố thông minh là nhiệm vụ hàng đầu được đặt ra.
Tương tự, các trường đại học, cao đẳng ở Bình Dương thời gian qua cũng chuyển hướng chú trọng đào tạo thực hành và kỹ năng mềm cho sinh viên. Đặc biệt, các trường không chạy theo số lượng nghề mà hướng đến đào tạo các ngành nghề trọng điểm đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhà trường và doanh nghiệp cũng đã bắt tay cùng đào tạo. Với mô hình "đào tạo kép", giúp sinh viên có việc ngay sau khi ra trường và doanh nghiệp có nguồn nhân lực không phải đào tạo lại.
Ông Lê Minh Quốc Cường cho biết, thời gian tới, Bình Dương sẽ mở rộng mô hình các cơ sở giáo dục đào tạo, dạy nghề chất lượng cao theo hướng đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội. Tỉnh cũng sẽ xem xét triển khai thực hiện các chương trình hợp tác đào tạo với các trường đại học trong nước và nước ngoài để thực hiện đào tạo theo cơ chế đặt hàng đối với cán bộ, công chức, viên chức và đội ngũ sinh viên mới ra trường có nguyện vọng về làm việc tại Bình Dương.
Tạo việc làm ổn định cho người lao động
Trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Bình Dương đã tăng cường áp dụng mọi biện pháp giải quyết chính sách về lao động - việc làm, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (NLĐ) bằng nhiều hình thức.
Cụ thể, Trung tâm DVVL tỉnh Bình Dương đã tư vấn về việc làm trong và ngoài nước cho lao động ở 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; chuyển đổi công tác truyền thông, tư vấn tuyển dụng, giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề trực tiếp qua hình thức trực tuyến, gián tiếp như website, email, skype, zalo, facebook, điện thoại cá nhân cán bộ phụ trách…
Mở lớp đào tạo kỹ năng cho lao động, tập huấn nghiệp vụ cho doanh nghiệp; Thực hiện các bản tin thị trường lao động mỗi tháng 2 lần nhằm thông tin đến cho doanh nghiệp và NLĐ những việc làm mới; thực hiện thu thập việc làm trống, tư vấn tuyển dụng nhanh/tìm việc nhanh thông qua công cụ hộp thoại chat trực tuyến trên website: vieclambinhduong.vn.
Bên cạnh đó, Trung tâm DVVL chú trọng đẩy mạnh liên kết với các tỉnh trong công tác cung cấp nguồn lao động đã đi xuất khẩu lao động tại các nước Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc về nước để Trung tâm thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đồng thời, tiếp cận nguồn lao động du học ở các nước về làm việc tại Bình Dương.
Ông Nguyễn Thanh Phương,Phó Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Bình Dương cho biết, bằng nhiều giải pháp thiết thực, từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 102.255 lao động. 8 tháng đầu năm 2020, đã có 75.926 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng với số người nộp hồ sơ của cả năm 2019.
Hiện tại, Bình Dương đã xây dựng sàn online trên website nên khi phối hợp thực hiện sàn online thì các đơn vị chỉ cần trang bị máy vi tính có camera để đàm thoại video truy cập vào trang website của Trung tâm để thực hiện.
Thông qua sàn online các phòng giao dịch việc làm của các Tỉnh, giúp mọi doanh nghiệp (DN) cũng như người lao động trong và ngoài tỉnh dễ dàng kết nối tuyển dụng. Để mở rộng địa bàn thu hút LĐ cung ứng cho DN, đồng thời tạo điều kiện cho NLĐ thất nghiệp tiếp cận được thông tin về học nghề, lao động – việc làm cũng như cơ hội tuyển dụng phù hợp khả năng bản thân; góp phần điều tiết cân bằng cung – cầu LĐ.
Các thông tin tuyển dụng LĐ, tuyển sinh học nghề và XKLĐ … của các tỉnh sẽ được đưa lên hệ thống tra cứu, thông báo tuyển dụng và niêm yết, quảng bá trên website của các Trung tâm. Sàn online còn giúp Trung tâm tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí khi kết nối việc làm thông qua Internet; Giảm chi phí và công sức trong công tác tổ chức sàn trực tiếp.
Đồng thời, trung tâm DVVL đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động và doanh nghiệp trong việc hưởng các chế độ Bảo hiểm thất nghiệp, phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh để chi trả trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ kịp thời, không để xảy ra chậm trễ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.
Để giúp NLĐ bị thất nghiệp sớm trở lại với thị trường lao động, Trung tâm DVVL đã tổ chức các lớp đào tạo miễn phí cho lao động về kỹ năng tìm kiếm việc làm, kỹ năng làm việc, kỹ năng phỏng vấn thành công… lớp học được tổ chức hàng tháng tạo điều kiện cho lao động dễ dàng tìm kiếm việc làm hơn.