Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai có nguy cơ gia tăng ô nhiễm

Sông Ðồng Nai có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 17 triệu người thuộc lưu vực 11 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa phát triển mạnh khiến chất lượng môi trường nước đang bị ô nhiễm nặng với nhiều thông số vượt quy chuẩn và khó đạt mục đích cấp nước sinh hoạt.

Thông tin trên báo Nhân dân, kết quả quan trắc vào tháng 8/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) tỉnh Đồng Nai, chất lượng nước sông Đồng Nai tại bốn đoạn, chảy qua địa bàn tỉnh có hàm lượng Amoni; TSS (tổng rắn lơ lửng); DO (lượng ô-xy hòa tan trong nước); vi sinh không đạt quy chuẩn cho phép (QCVN08-MT:2015/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt). Đáng chú ý, chỉ số quan trắc vượt ngưỡng cao như: hàm lượng COD vượt từ 1,1 đến 1,3 lần; TSS vượt 1,4 đến 4,6 lần; Amoni vượt 1,1 đến 2,6 lần; E.Coli vượt 18,6 đến 150 lần; Coliform vượt 3,0 đến 9,2 lần. Giám đốc Sở TN và MT tỉnh Đồng Nai Đặng Minh Đức cho biết, từ kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng nước mặt tại bốn đoạn của sông Đồng Nai không đạt và không phù hợp mục đích cấp nước sinh hoạt. "Tình trạng suy giảm chất lượng nước mặt sông Đồng Nai đang làm gia tăng nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Bởi lẽ, sông Đồng Nai đang là nguồn cung cấp nước thô phục vụ xử lý thành nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn", ông Đặng Minh Đức cho biết.

Trước đó, kết quả quan trắc của Trung tâm quan trắc môi trường miền nam, Bộ TN và MT tại 49 điểm trên hệ thống sông Ðồng Nai cho thấy, nguồn nước mặt đang bị ô nhiễm cục bộ. Trong đó, các điểm quan trắc trên sông Sài Gòn từ cửa sông Thị Tính đến hạ lưu cảng Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh), nồng độ N-NH4 vượt quy chuẩn A2 và B1 của Bộ TN và MT. Nồng độ ô-xy hòa tan trong nước suy giảm, đặc biệt từ điểm cửa sông Thị Tính, tỉnh Bình Dương đến hạ lưu cảng Tân Thuận với ba đợt quan trắc đều cho giá trị DO thấp hơn quy chuẩn cho phép. Tại sông Thị Vải, các giá trị như N-NO2 tại nhiều điểm vượt quy chuẩn B1 của Bộ TN và MT từ 1,4 đến 6,4 lần; chỉ tiêu về Nitrit cũng vượt ngưỡng từ 1,4 đến 6,9 lần cho phép.

Theo đánh giá của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Ðồng Nai, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước sông Đồng Nai ngày càng gia tăng do hằng ngày phải tiếp nhận hàng triệu m3 nước thải từ hàng chục khu công nghiệp, khu chế xuất. Dù các tỉnh, thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc tự động, nhưng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt vẫn rất lớn. Ngoài ra, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt do nước thải sinh hoạt của các đô thị lớn ven sông và từ thuốc bảo vệ thực vật do hoạt động sản xuất chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản cũng rất đáng lo ngại.

Nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai có nguy cơ gia tăng ô nhiễm - Ảnh 1.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước sông Đồng Nai ngày càng gia tăng do hằng ngày phải tiếp nhận hàng triệu m3 nước thải từ hàng chục khu công nghiệp.

Trên cơ sở kết quả quan trắc chất lượng nước sông Đồng Nai mới đây, Sở TN và MT tỉnh Đồng Nai đã đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát chất lượng nước mặt trước và sau khi xử lý để bảo đảm chất lượng nước cấp đạt quy chuẩn cho người dân sử dụng. Trong quá trình lấy nước từ sông Đồng Nai về xử lý, nếu phát hiện bất thường, cần báo cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết. "Chúng tôi đã làm việc với Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai và một số đơn vị cấp nước tỉnh Bình Dương và TP Hồ Chí Minh để cung cấp dữ liệu quan trắc. Đồng thời, khuyến cáo các đơn vị tăng cường kiểm soát nước đầu vào. Hiện, ở vị trí bơm nước thô của các công ty cung cấp nước đều có hàng rào bảo vệ và đặt trạm kiểm soát nguồn nước chặt chẽ. Trường hợp phát hiện bất thường, chúng tôi sẽ phối hợp các đơn vị xử lý, bảo đảm an toàn chất lượng nước sinh hoạt" - Phó Chi cục trưởng Bảo vệ Môi trường tỉnh Đồng Nai Lê Văn Bình cho biết.

Báo Đồng Nai đưa tin, không chỉ sông Đồng Nai, hiện nay, hàng loạt sông, suối trên địa bàn tỉnh cũng đang bị ô nhiễm.

Theo kết quả quan trắc mới nhất, suối Đaklua (huyện Tân Phú); các sông, suối trên địa bàn huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu thuộc lưu vực sông Thao và các sông, suối thuộc lưu vực sông Thị Vải chất lượng nước mặt đều không đạt mục đích cấp nước sinh hoạt do các chất dinh dưỡng, hữu cơ và vi sinh tăng cao.

Đặc biệt, khu vực các sông, suối trên địa bàn TP. Biên Hòa và các huyện Thống Nhất, Trảng Bom, Long Thành thuộc lưu vực sông Buông, chất lượng nước mặt luôn ở tình trạng ô nhiễm nặng.

Tương tự, địa bàn giáp ranh giữa Đồng Nai với các địa phương gồm tỉnh Lâm Đồng; Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu, chất lượng nước mặt của sông, suối ở các khu vực này cũng đang bị suy giảm do ô nhiễm. Trong đó, nghiêm trọng nhất là suối Cạn nằm ở khu vực giáp ranh giữa huyện Cẩm Mỹ với huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Kết quả quan trắc trên suối Cạn vị trí nằm sau Nhà máy xử lý chất thải rắn Thiên Phước (đóng tại xã Xuân Mỹ) cho thấy suối này cũng có dấu hiệu ô nhiễm nhiều nhất bởi hàm lượng hữu cơ, dinh dưỡng, tổng dầu mỡ và vi sinh đều vượt xa so với quy chuẩn cho phép.