Dễ gây độc ở nhiệt độ cao
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), thủy ngân có nguy cơ nhiễm độc cao nhất là lúc bị “làm nóng”, bởi kim loại này dễ dàng bốc hơi dưới tác động của nhiệt độ và gây nhiễm cho người hít phải. Với sự cố hỏa hoạn tại các nơi có sử dụng nguyên liệu này trong sản xuất, cần tránh xa nơi có đám cháy. Nguy cơ nhiễm độc qua đường hô hấp xảy ra cao hơn với người trẻ và đặc biệt là trẻ nhỏ.
Tại gia đình, cần lưu ý một số vật dụng để tránh nhiễm độc thủy ngân. Chất này có trong nhiệt kế (cặp sốt). Nhiệt kế dễ vỡ khi sơ ý và thủy ngân trôi ra ngoài với hình dạng là các hạt tròn li ti nhưng không cầm gom lại được vì nó tan ra.
Bác sĩ Nguyên cho biết, thủy ngân ở nhiệt kế đó nếu không may nuốt phải cũng hầu như không quá nguy hiểm vì có thể đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, nó có thể gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe nếu bị làm nóng lên. Do đó, nếu không may vỡ nhiệt kế, cần tìm cách hớt gom lại, gói kín và bỏ đi, tránh các tình huống gây sinh nhiệt vì thủy ngân này rất dễ bốc hơi khi bị nhiệt tác động khiến cơ thể có thể bị nhiễm thủy ngân qua hô hấp, đặc biệt với trẻ nhỏ.
Các chuyên gia y tế cũng lưu ý thêm, kim loại thủy ngân là một chất lỏng màu xám bạc, gây hại cho con người khi tiếp xúc với không khí và được hít vào phổi, có thể sinh ra từ hoạt động của các nhà máy điện đốt than đá, lò đốt rác và đám cháy rừng. Hợp chất thủy ngân vô cơ có thể được tìm thấy trong pin, một số loại thuốc xịt côn trùng có thể gây hại nếu con người nuốt hoặc hít vào cơ thể.
Nhận biết ngộ độc thủy ngân
Theo bác sĩ Nguyên, tùy thuộc dạng thủy ngân, khoảng thời gian và cường độ tiếp xúc thì mức độ gây độc khác nhau. Hít phải khói có thủy ngân có thể ngộ độc cấp tính với triệu chứng như: sốt, thở khó, nôn, suy thận (biểu hiện giảm dần lượng nước tiểu, vô niệu)…
Các chuyên gia y tế cũng lưu ý, ngộ độc mạn tính do thủy ngân thường có biểu hiện: run giật tay, tê chân tay và rối loạn tâm thần kinh (mất ngủ, hay quên, tâm lý không ổn định). Nuốt phải thủy ngân vô cơ (có trong pin) gây phỏng niêm mạc miệng, đau bụng, buồn nôn, nôn ra máu, suy thận…
Trong tình huống nghi ngờ nhiễm độc thủy ngân (có thể do hít phải khói thủy ngân tại nơi xảy ra hỏa hoạn), cấp cứu tại chỗ bằng cách rửa bằng nước sạch vùng tiếp xúc, da mắt, sau đó nên đến ngay cơ sở y tế khám để được làm xét nghiệm cơ bản, kiểm tra chức năng phổi, gan. Nếu nạn nhân có biểu hiện ngộ độc cấp, cần được làm xét nghiệm nhanh nhất, trong đó quan trọng nhất là xét nghiệm máu, nước tiểu. Kết quả xác định nồng độ thủy ngân trong máu và nước tiểu sẽ giúp bác sĩ có chỉ định phù hợp nhất. Nhiễm độc thủy ngân cần được điều trị tại bệnh viện với thuốc giải đặc hiệu “gắp” thủy ngân cùng với điều trị triệu chứng (nôn, đau đầu, suy thận...).
Bác sĩ Nguyên lưu ý, trong tình huống có yếu tố gây ngộ độc và các triệu chứng nghi bị ngộ độc xuất hiện giống nhau như: nôn, đau đầu, thở khó, nhưng thực chất nguyên nhân gây ngộ độc có thể khác nhau. Do đó, khi có bất thường về sức khỏe, cần đến bệnh viện khám, xét nghiệm tìm tác nhân để việc điều trị chính xác và kịp thời.