Ngày 18/9, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức Diễn đàn Du lịch Huế năm 2019 với chủ đề "Phát triển du lịch Thừa Thiên - Huế thông minh và bền vững". Diễn đàn nhằm hướng tới trao đổi các kết quả nghiên cứu, tiếp nhận các đề xuất, hiến kế và đón nhận các thỏa thuận triển khai hợp tác đầu tư để xây dựng và phát triển các mô hình du lịch ở địa phương.
DU LỊCH THÔNG MINH - XU HƯỚNG TẤT YẾU
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, những năm gần đây, ngành du lịch tỉnh nhà đã đạt một số kết quả khả quan, thể hiện ở mức độ tăng trưởng khá ổn định bình quân 17%/năm và cũng đang có nhiểu chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt. Du lịch Thừa Thiên - Huế đang dần chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, với những thành tựu vượt bậc của công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng đang đối mặt với cả cơ hội lớn lẫn những thách thức không nhỏ, yêu cầu phải có những chuyển đổi đột phá, kịp thời, mang tính sáng tạo phù hợp với xu hướng phát triển du lịch thông minh, hướng tới phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế
Tỉnh cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa, tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và nhất là sự góp ý, hiến kế của các chuyên gia, các nhóm cộng đồng người dân để tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai xây dựng Hệ sinh thái du lịch thông minh như là một hợp phần quan trọng bậc nhất trong “Đô thị thông minh” tại Thừa Thiên - Huế.
Ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhìn nhận, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế đã và đang trở thành ngành kinh tế đem lại nhiều lợi ích, tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội. Do đó, việc ứng dụng du lịch thông minh phải trở thành mục tiêu lớn của ngành.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trên bình diện toàn cầu, ngành du lịch đang đứng trước yêu cầu phải chuyển đổi số nhằm duy trì và gia tăng sức cạnh tranh; cần chú trọng phát triển du lịch bền vững, giảm áp lực cho các tài nguyên văn hóa, tự nhiên. Tại Việt Nam, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đề án nhằm mục tiêu cụ thể hóa mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bộ Chính trị cũng như để thích ứng với những biến đổi hiện nay.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch
Muốn phát triển du lịch thông minh và bền vững, Thừa Thiên - Huế cần gắn với trọng tâm là phát huy giá trị di sản đặc sắc của Quần thể di tích cố đô Huế để du khách biết đến và thu hút du khách bởi giá trị và vẻ đẹp bất tận, giàu chiều sâu văn hóa trong cảnh đẹp nên thơ, hữu tình của Huế; được tạo điều kiện thuận lợi và say mê khi trải nghiệm tại điểm đến với những ứng dụng, công nghệ đổi mới, sáng tạo.
PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC 4.0
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm biến đổi lớn đến tất cả các lĩnh vực của đời sống. Đây vừa là thời cơ nhưng cũng là thách thức cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam nói chung, của Thừa Thiên - Huế nói riêng, trong đó nguồn nhân lực du lịch cũng chịu tác động không nhỏ. Bên cạnh việc áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong phát triển du lịch, việc đào tạo, phát triển nhân lực đáp ứng du lịch thời công nghệ số cũng là một yếu tố hết sức quan trọng. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong du lịch, từ du lịch truyền thống hay du lịch thông minh thì nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp có vai trò then chốt, là tài sản quý giá nhất của ngành du lịch. Nó có tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của từng doanh nghiệp cũng như sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Việc đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội và xu hướng phát triển của ngành du lịch là yếu tố không thể thiếu trong việc thúc đẩy triển khai du lịch thông minh. Vấn đề cốt lõi là từ chủ thể quản lý đến khách thể và cả đối tác, đối tượng quản lý trong ngành du lịch phải am hiểu và sử dụng thành thạo công nghệ thông tin. Con người tạo ra các thiết bị thông minh và điều hành nó theo ý muốn.
Ông Đinh Mạnh Thằng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế
PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc Đại học Huế cho rằng, những năm qua, các hoạt động đào tạo và thu hút nguồn nhân lực cho ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập. Chất lượng sinh viên du lịch sau khi ra trường đã có những chuyển biến tích cực, được doanh nghiệp đánh giá cao, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trên 85%. Tính đến hết năm 2018, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế thu hút 14.100 lao động, trong đó: Lao động trực tiếp là 12.100 (chiếm 86%), gián tiếp là 2.000 (chiếm 14%); lao động trình độ đại học, cao đẳng trở lên chiếm 40%; sơ cấp, trung cấp 52% và chưa qua đào tạo chiếm 8%.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, kết quả đạt được của các hoạt động nói trên vẫn còn rất khiêm tốn bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng là chưa có được những giải pháp mang tính đột phá và phù hợp.
Để phát triển nhân lực du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đáp ứng nhu cầu xã hội, phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, Phó Giám đốc Đại học Huế đề xuất nhóm 6 giải pháp mang tính đột phá và được coi là phù hợp với điều kiện hiện nay của tỉnh, bao gồm: Thay đổi quan điểm, nhận thức, trách nhiệm và cơ chế, chính sách; thực hiện nghiêm túc việc đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; thực hiện hiệu quả kết nối giữa 3 nhà (nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp); tiêu chuẩn hóa nguồn nhân lực du lịch; áp dụng cơ chế đặt thù trong đào tạo nhân lực du lịch; ứng dụng công nghệ trong hoạt động đào tạo nhân lực du lịch.
Trong khi đó, theo ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Xuân Huế, để có được nguồn nhân lực du lịch thông minh, cần phải có sự hợp tác với các đối tác lớn trong công tác đào tạo; cần nâng cao mặt bằng dịch vụ qua hỗ trợ đào tạo. Mặt khác, Thừa Thiên - Huế cũng phải kêu gọi đầu tư các khu vui chơi quy mô lớn, phát triển mô hình du lịch gia đình, chữa bệnh nhằm xóa bỏ định kiến "Huế không có chỗ chơi", đa dạng hóa các sản phẩm. Ngoài ra, tỉnh cũng cần phải phát triển chuỗi giá trị bền vững, với nền tảng là con người và hạ tầng.
Cần có sự hợp tác với các đối tác lớn trong công tác đào tạo nhân lực du lịch thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0
Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Võ Quang Liên Kha, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, Thừa Thiên - Huế cần chú trọng đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực để có thể tiếp cận và quản lý và vận hành hiệu quả bộ máy trong nền tảng công nghệ mới. Theo ông Kha, Vietravel chuẩn bị khâu nguồn nhân lực bằng cách cử nhân sự tham dự các khóa đào tạo về công nghệ như: Công nghệ DataWareHouse; Công nghệ phân tích BigData; Công nghệ Trí tuệ nhân tạo AI; An ninh mạng…
Ông Lê Đình Quân, Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp sông Hàn thì cho rằng, các trường đại học cần chủ động sớm đưa vào chương trình đào tạo tinh thần doanh nhân, tư duy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường và nhà doanh nghiệp du lịch cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp lĩnh vực du lịch, đa dạng hóa các kết nối, hợp tác sáng tạo ở các khối công nghệ và kinh tế. Sự tham gia mạnh mẽ của các chương trình ươm tạo, sự hỗ trợ của các giảng viên, chuyên gia lĩnh vực du lịch, các nhà đầu tư thiên thần sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch thông minh sớm hình thành.