Theo đó, 11 cơ sở GDĐH của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng các đại học Châu Á năm 2021 của tổ chức QS (Bảng xếp hạng QS Asia University Rankings 2021) bao gồm: ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Duy Tân, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Kinh tế TPHCM; trong đó 3 cơ sở lần đầu có mặt trong bảng xếp hạng này là: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Kinh tế TPHCM.
Như vậy, với 237 đại học và trường đại học của Việt Nam, đến nay, 4,64% cơ sở giáo dục đại học trong cả nước có tên trong bảng xếp hạng khu vực của Tổ chức này.
Bên cạnh một số đại học và trường đại học tụt hạng, nhiều đơn vị đã tăng hạng. Đơn cử như: Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) xếp hạng 163 (tăng 44 hạng so với năm 2020 là: 207); Trường ĐH Duy Tân xếp hạng 351-400 (tăng hạng với với năm 2020 là: 451-500 ); ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng cùng thuộc nhóm 401-450 (ĐH Huế tăng hạng so với năm 2020 là: 451-500.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có hạng 551-600, Trường ĐH công nghiệp TPHCM và Trường ĐH kinh tế TPHCM đồng hạng 601+. Riêng TDTU, chỉ trong hai năm đã tăng 128 hạng - mức tăng hạng nhiều nhất ở Việt Nam và cũng thuộc nhóm các trường có mức tăng hạng ấn tượng nhất của Châu Á.
Với vị trí xếp hạng thứ 163 trong Bảng xếp hạng 2021, TDTU chỉ xếp sau vài hạng so nhiều đại học danh tiếng và lâu đời trong khu vực Châu Á như: Chungnam National University (Hàn Quốc), National Chung Cheng University (Đài Loan) và vượt các trường Yokohama National University (Nhật Bản), Prince of Songkla University (Thái Lan), Nagasaki University (Nhật Bản…
TDTU thể hiện sự tăng hạng ở nhiều tiêu chí, trong đó có các tiêu chí về Academic Reputation (Danh tiếng về học thuật) và Employer Reputation (Danh tiếng nhà tuyển dụng).
Đặc biệt, TDTU đạt điểm rất cao về các chỉ số quan trọng trong nghiên cứu như: Citations per Paper (Chỉ số trích dẫn/ bài báo), International Research Network (Mạng lưới nghiên cứu quốc tế), International Faculty (giảng viên người nước ngoài), Inbound exchange (Sinh viên trao đổi trong nước), Outbound exchange (Sinh viên trao đổi nước ngoài).
Ngoài ra, QS Châu Á đánh giá rất cao việc TDTU tăng hạng trong 3 năm liên tục và không có xuất hiện bất cứ dấu hiệu rủi ro nào trong các chỉ số phát triển của một trường đại học đúng chuẩn.
QS Châu Á xếp hạng các đại học dựa trên 11 tiêu chí với trọng số khác nhau, gồm: Danh tiếng về học thuật (30%); Danh tiếng nhà tuyển dụng (20%); Tỷ lệ giảng viên/sinh viên (10%); Tỷ lệ đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ (5%); Tỷ số bài báo xuất bản trên giảng viên (5%); Chỉ số trích dẫn trên bài báo (10%); Mạng lưới nghiên cứu quốc tế (10%); Giảng viên quốc tế (2,5%); Sinh viên quốc tế (2,5%); Sinh viên trao đổi trong nước (2,5%); Sinh viên học trao đổi nước ngoài (2,5%).
Trong bảng xếp hạng QS châu Á năm nay, Singapore tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu với 2 cơ sở giáo dục đại học NUS (National University of Singapore - hạng 1 châu Á; hạng 11 thế giới) và NTU (Nanyang Technological University Singapore - hạng 3 châu Á; hạng 13 thế giới). Ngoài ra, trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia có nhiều cơ sở giáo dục đại học trong tốp 50 nhất với 5 cơ sở giáo dục, trong đó, Đại học Malaya (Malaya University) có thứ hạng tốt nhất, thứ 9 châu Á (hạng 59 thế giới). Sau Malaysia, Thái Lan với 21 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng (trong đó 2 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong tốp 50). Philippines có 14 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng. Indonesia có 30 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng.
Trước đó, trong bảng xếp hạng đại học châu Á do Times Higher Education (THE) công bố hôm 3/6, Việt Nam chỉ có 3 trường góp mặt, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội (nhóm 201-250), Đại học Bách khoa Hà Nội (251-300) và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (400+).