Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

3% lao động dân tộc thiểu số được đào tạo nghề

Từ năm 2010 đến nay, Chính phủ dành hơn 1.000 tỷ đồng/năm triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg (Đề án 1956). Triển khai Đề án 1956 tại các địa phương đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề còn thấp so với chương trình chung.

 

Lao động DTTS còn ít tiếp cận các lớp đào tạo nghề

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu và tham vấn kế hoạch, khung hướng dân đào tại nghề cho lao động nông thôn do Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) phối hợp Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), cùng OXFAM tổ chức sáng 29/11, tại Hà Nội.

Dạy nghề cho người dân tộc thiểu số theo phương pháp cầm tay chỉ việc.

 

Giảm nghèo ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, nghèo tại Việt Nam ngày càng tập trung ở dân tộc thiểu số (DTTS), năm 2014 số hộ nghèo DTTS chiếm tới 46,66% trong tổng số hộ nghèo tại Việt Nam. Chính phủ đã dành hơn 1.000 tỷ đồng/năm từ năm 2010 đến nay cho việc triển khai Đề án 1956. Việc triển khai Đề án 1956 tại các địa phương đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Tỷ lệ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là người DTTS được đào tạo nghề còn thấp so với chương trình chung (lao động là người DTTS được đào tạo nghề chỉ chiếm khoảng 3% so với tổng số lao động người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động); một số nơi hiệu quả đào tạo nghề chưa cao, chưa gắn với nhu cầu của thị trường lao động, chưa thu hút được sự quan tâm của người nghèo. Tổ chức Oxfam đã triển khai chuyên đề phân tích chính sách về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”. Đây là báo cáo năm thứ 2 trong chuỗi 3 báo cáo đánh giá lặp lại hàng năm tại 15 cộng đồng dân cư nông thôn thuộc 7 tỉnh trong cả nước gồm: Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Đăk Nông, Ninh Thuận và Trà Vinh.

Theo kết quả báo cáo, hầu hết các tỉnh khảo sát đều báo cáo đạt được mục tiêu “tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt 70%” trong giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, lao động thuộc hộ nghèo, hộ DTTS còn ít tiếp cận các lớp đào tạo nghề. Về nguyên tắc, tất cả đối tượng là LĐNT nếu có nhu cầu học nghề đều được đăng ký học nghề. Thực tế qua khảo sát, cách thức lựa chọn đối tượng học nghề ở một số nơi chưa mang lại nhiều cơ hội cho nhóm hộ nghèo DTTS. Tại đa số các địa bàn khảo sát, cán bộ thôn có xu hướng lựa chọn hộ khá, hộ người Kinh, hộ biết chữ, hộ đã có kinh nghiệm làm nghề tham gia học nghề chăn nuôi và trồng trọt. Theo lý giải của cán bộ thôn, những hộ này có điều kiện áp dụng các kiến thức được học vào sản xuất nông nghiệp; có “nhận thức” tốt hơn nên việc tuyên truyền, vận động đi học cũng dễ dàng hơn. Cách làm này vô hình chung làm hạn chế cơ hội học nghề của người nghèo DTTS.

Đa số lớp đào tạo nghề ở vùng đồng bào DTTS đã được đưa về tận xã, thôn, có sự linh hoạt về thời gian tổ chức lớp học. Tuy nhiên, thời gian của lớp học nghề đối với đồng bào DTTS: có lớp học nghề kéo quá dài, ngược lại có lớp học nghề thời lượng thực hành quá ít và quá ngắn. Phương pháp lớp học hiện trường trong đào tạo nghề nông nghiệp chưa được hướng dẫn, chỉ đạo để áp dụng rộng rãi. Lựa chọn những hộ tham gia học nghề còn dàn trải, chưa gắn với các nông dân nòng cốt nhằm thúc đẩy cơ chế tiên phong – lan tỏa trong cộng đồng. Một số bất cập về đối tượng, định mức hỗ trợ chưa được sửa đổi, hướng dẫn cụ thể (độ tuổi học nghề, hỗ trợ học nghề “mất việc làm do nguyên nhân khách quan”, thù lao cho giảng viên, định mức hỗ trợ theo các nhóm đối tượng.

Những lớp học thực địa giúp người dân dễ hiểu, dễ áp dụng thực tế.

 

Một số “điểm sáng” về đào tạo nghề

Một số địa phương đã có những sáng kiến, nỗ lực trong đào tạo nghề, nhưng thực tế triển khai còn nhiều khó khăn, mới chỉ là các nỗ lực đơn lẻ do thiếu các qui định và hướng dẫn cụ thể: Trung tâm khuyến nông tỉnh Hòa Bình đã áp dụng phổ biến phương pháp “lớp học hiện trường – FFS” trong đào tạo nghề nông nghiệp. Tỉnh Lào Cai xây dựng “Hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý đào tạo nghề” giúp cho việc quản lý học viên và các lớp dạy nghề thuận lợi hơn. Phương pháp lớp học hiện trường rất phù hợp với dạy nghề nông nghiệp ở vùng đồng bào DTTS vì chú trọng dạy kỹ năng trong từng bước theo cách cầm tay chỉ việc, vừa học vừa hành, dựa trên làm việc nhóm. Theo kết quả đánh giá sau khi đào tạo, 90% học viên được phỏng vấn trả lời có áp dụng tốt kiến thức được học vào trong thực tế.

Tỉnh Ninh Thuận phối hợp dạy nghề với hỗ trợ của các bên liên quan theo dự án thúc đẩy mô hình tiểu thủ công nghiệp truyền thống, trồng lúa nước, chăn nuôi bò, trồng nấm… cho đồng bào Raglai. Tổ thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng ở thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận được thành lập từ năm 2010, sau khi 1 nhóm phụ nữ dân tộc Raglai được tham gia lớp đào tạo về làm các sản phẩm thủ công từ hạt cây rừng. Dự án bảo tồn Vườn quốc gia Núi Chúa đã hỗ trợ chị em một phần nguyên liệu và dụng cụ cũng như nhận các sản phẩm mang đi tiêu thụ. Huyện Ninh Hải hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày sản phẩm. Xã Vĩnh Hải hỗ trợ 10 triệu đồng để làm vốn xoay vòng. Nghề phụ giúp chị em có thêm thu nhập 400.000 đồng/tháng. Còn tại tỉnh Trà Vinh phối hợp giữa dạy nghề với truyền nghề, gắn kết với doanh nghiệp tạo việc làm tại chỗ cho đồng bào Khmer; có cơ chế phối hợp cụ thể giữa trung tâm học tập cộng đồng xã và trung tâm dạy nghề huyện…

Theo các chuyên gia, các yếu tố chính ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo nghề ở vùng đồng bào DTTS: Lớp nghề phù hợp; phương pháp học tập phải gắn học đi đôi với hành; kết nối doanh nghiệp, liên kết sản xuất; lồng ghép các hỗ trợ sinh kế cùng với đào tạo nghề và phải có nông dân nòng cốt.