Đây là những số liệu được Tổng Cục Thống kê cho biết tại họp báo công bố điều tra lao động – việc làm quý 4 và năm 2020, diễn ra sáng 6/1, tại Hà Nội.
Lao động, việc làm quý IV/2020 khởi sắc
Báo cáo cho thấy, trong quý IV, những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của dịch Covid-19 đều có dấu hiệu tăng trưởng trở lại.
So với quý trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,4%, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 5,4%.
Tình hình lao động, việc làm quý IV/2020 có nhiều dấu hiệu khởi sắc so với quý trước, tuy nhiên các chỉ số về lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý IV và cả năm 2020 vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm: Người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV năm 2020 là 55,1 triệu người, tăng 563,8 nghìn người so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 860,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Điều này một lần nữa khẳng định xu hướng phục hồi của thị trường lao động sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II năm 2020.
2016-2019: Trung bình mỗi năm lực lượng lao động tăng 0,8%
Đại dịch Covid-19 đã tác động làm thay đổi xu hướng biến động mang tính mùa vụ của lực lượng lao động giữa các quý trong năm.
Ở các năm trước, giai đoạn 2016-2019, lực lượng lao động của quý đầu tiên trong năm luôn thấp nhất, sau đó tăng dần ở các quý sau và đạt mức cao nhất vào quý IV.
Năm 2020, lực lượng lao động bắt đầu giảm ở quý I, sau đó tiếp tục giảm mạnh và chạm đáy ở quý II và dần có sự phục hồi vào quý III và IV.
Mặc dù có phục hồi nhưng lực lượng lao động đến quý IV năm 2020 vẫn chưa đạt được trạng thái ban đầu khi chưa có dịch. Số người thuộc lực lượng lao động trong quý này vẫn thấp hơn quý I gần 200 nghìn người.
So với quý III năm 2020, lao động quý IV ở khu vực nông thôn có dấu hiệu phục hồi nhanh hơn lao động ở khu vực thành thị, trong khi đó tốc độ phục hồi của lao động nam đã đuổi kịp tốc độ hồi phục của lao động nữ.
So với quý trước, lực lượng lao động tại khu vực nông thôn tăng 1,4%, cao hơn 1,1 điểm phần trăm so với mức tăng của khu vực thành thị; lực lượng lao động nữ và lực lượng lao động nam cùng tăng 1%.
Tính chung năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,6 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với năm 2019.
Trong giai đoạn 2016-2019, trung bình mỗi năm lực lượng lao động tăng 0,8%.
Tuy tác động tiêu cực của đại dịch, thị trường lao động vẫn thay đổi tích cực
Tính chung năm 2020, số lao động trong độ tuổi thiếu việc làm là gần 1,2 triệu người, tăng 456,7 nghìn người so với năm 2019.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,51%, trong đó khu vực thành thị là 1,68%; khu vực nông thôn là 2,93% (năm 2019 tương ứng là 1,5%; 0,76%; 1,87%).
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2020 ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 4,68%, khu vực công nghiệp và xây dựng là 1,5%; khu vực dịch vụ là 1,74% (năm 2019 tương ứng là 3,45%; 0,43%; 0,87%).
Mặc dù khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản vẫn có tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động năm 2020 cao nhất nhưng so với các năm trước, tỷ trọng lao động thiếu việc làm trong khu vực này đã giảm đi đáng kể (năm 2020: 53,7%, các năm trước khoảng 70%).
Rõ ràng, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã làm tình trạng thiếu việc làm lan rộng sang cả khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chứ không chỉ tập trung ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản như trước đây.
"Đa số những người thiếu việc làm không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật càng cao, tỷ lệ thiếu việc làm càng thấp.
Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi năm 2020 của lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 2,87%; sơ cấp là 2,25%; trung cấp là 1,58%; cao đẳng là 1,52%; từ đại học trở lên là 1,04%", báo cáo cho biết.
Cũng theo Tổng Cục Thống kê, đại dịch Covid-19 không chỉ tước đi cơ hội có việc làm chính thức của nhiều lao động mà còn khiến họ rơi vào tình trạng thiếu việc làm.
Tuy nhiên tình trạng này đã được cải thiện trong quý IV năm 2020.
Nếu lực lượng lao động năm 2020 duy trì tốc độ tăng như giai đoạn 2016-2019 và không có dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm 1,6 triệu lao động.
Nói cách khác, dịch Covid-19 có thể đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,6 triệu người.
Tính riêng quý IV năm 2020, cả nước có 902,2 nghìn lao động trong độ tuổi thiếu việc làm, cao hơn nhiều so với các quý năm 2019.
Tuy nhiên, so với các quý đầu năm 2020, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi đã giảm mạnh, từ 3,08% trong quý II xuống còn 2,79% trong quý III và đạt 1,89% trong quý IV.
Điều này chứng tỏ, mặc dù vẫn chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng thị trường lao động Việt Nam đã có những thay đổi tích cực, đặc biệt trong những tháng cuối năm khi nhu cầu lao động tăng lên phục vụ yêu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ dịp lễ, Tết cuối năm.