Tại các khu công nghiệp, chế xuất trên địa bàn thành phố đã xác định 99 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là công nhân lao động, gồm: Công ty SEI 80 F0, Công ty MOLEX 1 F0, Doanh nghiệp cơ khí Hồng Xuân 1 F0, Công ty Thời trang Star 11 F0, Công ty TOTO Việt Nam - chi nhánh Hưng Yên 2 F0, Công ty TNHH Điện tử Meiko Thăng Long 1 F0, Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam - Hà Nội 1 F0, Công ty Denso 1 F0, Công ty HAL Việt Nam 1 F0.
Theo thống kê của 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, hiện nay, số đoàn viên, người lao động thuộc diện F0 là 304 trường hợp (tăng 34 người so với tuần trước, nhưng trong tuần qua có 5 trường hợp khỏi bệnh và đã xuất viện, cách ly tại nhà); 2.989 trường hợp F1 (giảm 16 người), 9.048 trường hợp F2 (tăng 207 người), 18.018 trường hợp F3 và F4 (giảm 67 người).
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến thời điểm này, Hà Nội đã có 330 doanh nghiệp phải dừng hoạt động (tăng 40 doanh nghiệp so với tuần trước); 1.486 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động (tăng 21 doanh nghiệp). Kéo theo đó, tổng cộng có 7.237 công nhân lao động đã bị mất việc làm, đồng thời 35.871 công nhân lao động bị thiếu việc làm...
Nhằm hỗ trợ khẩn cấp người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngày 9/8, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội có văn bản hỏa tốc yêu cầu các cấp Công đoàn cơ sở khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm do dịch COVID-19, đảm bảo thiết thực, kịp thời, đúng đối tượng.
Theo chỉ đạo của tổ chức Công đoàn Thủ đô, mỗi Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức ít nhất một "Siêu thị 0 đồng" tại những nơi tập trung đông công nhân, hoặc bố trí ít nhất một "Chuyến xe siêu thị 0 đồng" thường trực hàng ngày để kịp thời tiếp nhận và thực hiện hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động.
Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động các cấp phối hợp với các doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và chính quyền cơ sở, thôn, tổ dân phố khẩn trương rà soát những công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do dịch COVID-19; đặc biệt là công nhân đang thuê trọ tại các địa bàn dân cư để có biện pháp hỗ trợ kịp thời với mức hỗ trợ mỗi "Túi an sinh Công đoàn" (gồm lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu) không quá 200.000 đồng/người lao động hoặc 1 phòng trọ.
Kinh phí mua các sản phẩm, hàng hóa hỗ trợ công nhân lao động chi từ nguồn tài chính Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở 50% và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội hỗ trợ 50%. Trường hợp người lao động bị cách ly tập trung tại doanh nghiệp hoặc nằm trong các khu dân cư bị cách ly, phong tỏa cần hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu, nếu số lượng từ 100 người trở lên thì Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội sẽ triển khai hỗ trợ, dưới 100 người thì Công đoàn cấp trên cơ sở tự tổ chức hỗ trợ từ nguồn tài chính của đơn vị.
Các Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khẩn trương công bố số điện thoại đường dây nóng 24/24/7 để tiếp nhận thông tin yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp của người lao động và Công đoàn cơ sở.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cũng lưu ý Tổ ứng cứu khẩn cấp và đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp tham gia hoạt động hỗ trợ người lao động phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo kế hoạch, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ khẩn cấp công nhân lao động khó khăn tại 5 khu cụm công nghiệp gồm: Khu công nghiệp Nội Bài (1.000 công nhân), Khu công nghiệp Quang Minh (1.000 công nhân), Cụm công nghiệp Bắc Từ Liêm (500 công nhân), Cụm công nghiệp Ngọc Hồi (500 công nhân), Cụm công nghiệp Quất động (500 công nhân).