Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Áp lực thế hệ “bánh mì kẹp”

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Ngày nay, các cặp vợ chồng thường sinh ít để có điều kiện chăm sóc con tốt. Nhưng điều này cũng tạo ra những áp lực đối với thế hệ “bánh mì kẹp” khi vừa phải chăm sóc con cái và bố mẹ già.

Loay hoay giữa hai tầng áp lực

Mải phấn đấu cho sự nghiệp, đến 33 tuổi chị Lê Mỹ Phượng mới kết hôn. Khi hai đứa con lần lượt chào đời thì bố, mẹ ở quê đã bước sang tuổi xế chiều. Là con một, chị đương nhiên lãnh trách nhiệm hỗ trợ bố mẹ già không có lương hưu.

Do làm trưởng phòng kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài nên thu nhập không phải lo lắng nhưng chị luôn tất bật bởi vừa chăm con, vừa xoay xở chăm sóc bố mẹ, nhất là lúc ốm đau.

“Năm ngoái bố mình ốm phải nằm ở viện hơn 10 ngày, trong khi bạn nhỏ nhà mình mới 4 tuổi. Vợ chồng mình đã phải thay phiên nghỉ làm chăm bố, chăm con. Những lúc như vậy, mình chỉ ước nhà có đông anh em để có thể đỡ đần nhau”, chị Phượng chia sẻ.

Áp lực thế hệ “bánh mì kẹp” - 1
Thế hệ trẻ và gánh nặng chăm sóc con nhỏ, bố mẹ già.

Không có công việc ổn định và thu nhập tốt nên cuộc sống của anh Hoàng Văn Thành (Thái Nguyên) đang thuê nhà tại khu Mễ Trì (Hà Nội) càng thêm chật vật khi vừa phải chăm sóc cho con nhỏ 12 tuổi và bố 70 tuổi mắc viêm gan B.

Anh Thành tâm tư: “Thu nhập mỗi tháng của vợ chồng tôi được khoảng 25 triệu đồng, trong đó tiền thuê nhà, điện nước đã ngốn mất hơn 7 triệu đồng, tiền ăn và học của con khoảng 3 triệu đồng. 2 năm trở lại đây, bố mình phát bệnh, tháng nào tiền thuốc trung bình 3 triệu đồng.

Số tiền còn lại để trang trải chi phí sinh hoạt ăn, uống cho 4 người. Vì vậy, tiền tháng nào tiêu hết tháng đó, không có tích lũy. Ước mong duy nhất của tôi là mua được căn nhà chung cư nhưng với tình hình này thì quả là khó quá”.

Nhà chỉ có hai chị em nhưng đều kết hôn muộn ở tuổi ngoài 30 nên khi bố mẹ Diệp Chi mắc “bệnh già”, các cháu ngoại của ông bà vẫn nhỏ dại. Bố và mẹ chia ra ở nhà Chi và em gái.

Năm ngoái, mẹ bị tai biến nằm một chỗ. Vừa đi làm vừa chăm mẹ và 2 con, chị vừa xoay như chong chóng. Chồng chị yêu cầu chuyển mẹ sang nhà em gái nhưng em chị từ chối, viện cớ nhà cửa chật chội, kinh tế eo hẹp, con cái nheo nhóc, hơn nữa cũng đã phải chăm bố. Chuyện này khiến hai chị em nhiều lần xảy ra mâu thuẫn. 

Sau năm 2035, cứ 4 người trong tuổi lao động phải “gánh” 3 người cao tuổi

Giáo sư Giang Thanh Long, chuyên gia cao cấp về dân số và phát triển của trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, Việt Nam chưa có số liệu thống kê về số người "bánh mì kẹp" nhưng đây là thực trạng phổ biến và tất yếu, nhất là trong bối cảnh độ tuổi kết hôn lần đầu của người Việt dần cao lên, sinh ít con hơn, mô hình gia đình chuyển từ truyền thống sang hạt nhân, số người già nhiều hơn số người trẻ.

Theo kết quả từ điều tra biến động dân số công bố cuối năm 2022, tỷ số phụ thuộc chung (dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi) ở Việt Nam chiếm khoảng 47,9%, cao hơn kết quả Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (khoảng 45%), tương đương với số người trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi) giảm. Chỉ số già hóa (tính bằng số người cao tuổi trên 100 trẻ dưới 15 tuổi) ngày càng tăng, hiện ở mức 53,1% - cứ 100 trẻ dưới 15 tuổi thì có 53,1 người là người cao tuổi.

Cũng theo dự báo dân số, năm 2019, Việt Nam chưa có tỉnh nào có dân số cao tuổi nhiều hơn dân số trẻ em nhưng đến năm 2029 sẽ có 14 tỉnh và năm 2039 có 41 tỉnh có số người cao tuổi nhiều hơn số trẻ em.

Tuổi thọ người dân ngày một tăng, hiện khoảng 73,7 tuổi, cao hơn mức trung bình của thế giới nhưng số năm sống khỏe của người cao tuổi Việt Nam lại thấp. Trong khi đó, người trẻ sinh ít đi nên khi chỉ có một hoặc hai con thì gánh nặng lo toan trong tương lai nhiều hơn. Áp lực lo toan còn nặng nề hơn khi không ít người cao tuổi vẫn sống nhờ cậy con cái do không có thu nhập hoặc thu nhập quá thấp.

Theo báo cáo về Việt Nam với vị thế của “một xã hội đang già hóa” của Ngân hàng Thế giới, số người cao tuổi Việt Nam không có lương hưu và trợ cấp chiếm 64,4% dân số cao tuổi. Dự báo sau năm 2035, cứ 4 người trong tuổi lao động phải “gánh” 3 người cao tuổi (tỷ lệ này đang là 4:2) nên cơ hội để người trẻ tích lũy, đảm bảo thu nhập lúc về già cũng bị ảnh hưởng.

“Nếu không có chính sách can thiệp kịp thời, Việt Nam sẽ luẩn quẩn trong vòng xoáy trẻ không có hoặc tích lũy ít, già thiếu thu nhập và ốm đau, bệnh tật”, Giáo sư Long nhấn mạnh.

Còn TS Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên cho rằng, truyền thống con cái phải báo hiếu, phụng dưỡng cha mẹ của người Việt góp phần khiến áp lực của thế hệ “bánh mì kẹp” nhiều hơn.

Áp lực làm trụ cột gia đình, trụ cột kinh tế ngày càng lớn trong khi nhu cầu chi tiêu và giá cả không có dấu hiệu dừng, thậm chí khiến nhiều người căng thẳng, lo âu, trầm cảm, sinh ra nhiều bệnh tật khi vẫn đang trong tuổi sung sức lao động, trong khi họ cũng cần có chỗ dựa về tinh thần.

Thế hệ “bánh mì kẹp” (Sandwich Generation) là thuật ngữ do nhà xã hội học người Mỹ Dorothy Miller đặt ra năm 1981 nhằm ám chỉ nhóm người trưởng thành vừa phải chăm sóc bố mẹ già, vừa nuôi dạy con cái.

Trước đây, thuật ngữ này thường để nói về nhóm người trung niên trong độ tuổi 40 - 50. Tuy nhiên với tốc độ lão hóa nhanh cùng  tỷ lệ sinh sản thấp, ngày càng nhiều thế hệ dưới 30 tuổi bắt đầu cảm nhận được áp lực "bánh mì kẹp".

Châu Anh

Báo Lao động và Xã hội số 120