Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Bắc Giang tăng cường quản lý lao động nước ngoài

Là địa phương có nhiều chuyên gia và lao động nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều giải pháp hiệu quả quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang, tính đến hết 31/12/2021, trên địa bàn tỉnh có 512 doanh nghiệp sử dụng 5.791 lao động nước ngoài. Trong đó, số lao động nước ngoài làm việc ngoài Khu công nghiệp là 659 người (chiếm 11%), số lao động nước ngoài làm việc tại các Khu công nghiệp là 5.132 người (chiếm 89%); số lao động đã được cấp, cấp lại, gia hạn, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động là gần 4.100 người (chiếm 70,8%); số lao động sang làm việc ngắn hạn là 1.691 người, chiếm 29,2% (có 828 người đang hoàn tất thủ tục cấp giấy phép lao động để làm việc dài hạn tại Việt Nam).

Đa số lao động nước ngoài đều có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có kinh nghiệm làm việc và được bố trí vào các vị trí như nhà quản lý (389 người, chiếm 7%), giám đốc điều hành (885 người, chiếm 15%), chuyên gia (515 người, chiếm 9%) và lao động kỹ thuật (4.002 người, chiếm 69%).

Theo thống kê, hầu hết số lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh đều mang quốc tịch Châu Á, bao gồm: lao động Hàn Quốc (chiếm 21%), lao động Trung Quốc và Đài Loan (chiếm 76%) và một số nước khác (chiếm 3%). Số lao động Trung Quốc, Đài Loan tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc thuộc Khu công nghiệp như: Công ty TNHH Fuhong Precision Component (Bắc Giang) có 163 lao động, Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (Bắc Giang) có 185 lao động, Công ty TNHH Vina Solar Technology có 178 lao động, Công ty TNHH Vina Cell Technology có 153 lao động, Công ty TNHH Luxshare-ICT (Việt Nam) có 742 lao động, Công ty TNHH Luxshare-ICT (Vân Trung) 1.807 lao động...

Lao động Hàn Quốc tập trung ở cả ngoài Khu công nghiệp và trong Khu công nghiệp, chủ yếu thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc như: Công ty TNHH Samkwang Vina có 37 lao động, Công ty TNHH Siflex Việt Nam có 84 lao động, Công ty TNHH Seojin Việt Nam có 63 lao động, Công ty TNHH KD Sports Việt Nam có 18 lao động, Công ty TNHH MTV Việt-Pan Pacific World có 12 lao động...

Còn lại là những doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng lao động nước ngoài với số lượng ít, dao động từ 02 đến 10 lao động trong 01 doanh nghiệp.

Bắc Giang hiện có 512 doanh nghiệp sử dụng 5.791 lao động nước ngoài

Bắc Giang hiện có 512 doanh nghiệp sử dụng 5.791 lao động nước ngoài

Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, năm 2021, Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang đã kịp thời triển khai, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện đúng các quy định của pháp luật về lao động nước ngoài làm việc trong tỉnh. Đồng thời, tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến triển khai các quy định của pháp luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cho hơn 300 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp rà soát, báo cáo về người lao động nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp phục vụ công tác quản lý, nắm bắt tình hình lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh; kịp thời cung cấp các thông tin về tình hình sử dụng người lao động nước ngoài của của các doanh nghiệp ngoài Khu công nghiệp cho các cơ quan trên để tăng cường quản lý…

Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn toàn tỉnh, ngoài việc ban hành các công văn tuyên truyền, đề nghị các doanh nghiệp tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp đã ban hành công văn cung cấp danh sách, thông tin về nơi tạm trú của lao động nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gửi UBND huyện, thành phố trong tỉnh và các tỉnh, thành phố nơi người lao động nước ngoài đăng ký tạm trú để phối hợp quản lý, phục vụ công tác phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, Sở còn đẩy mạnh, triển khai thực hiện thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn qua mạng điện tử trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ LĐ-TB&XH và cổng thông tin điện tử của tỉnh. Qua đó giúp các tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng và thuận tiện hơn trong việc cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài; đồng thời đẩy mạnh cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cơ chế 05 tại chỗ trong giải quyết thủ tục hành chính; kịp thời trang bị máy in màu và các điều kiện cần thiết phục vụ công tác cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Bằng các giải pháp trên, năm 2021, Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đã thực hiện cấp, cấp lại giấy phép lao động và xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho 3.788 lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh, bao gồm: số lao động nước ngoài được cấp mới giấy phép lao động là 2.879 người, số được cấp lại là 201 người, số được gia hạn là 693 người, số được xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 15 người; đồng thời thực hiện thu hồi 247 giấy phép lao động hết hiệu lực; thực hiện việc xem xét, thẩm định và trình UBND tỉnh chấp thuận nhập cảnh cho gần 5.200 lượt lao động nước ngoài, trong đó có hơn 5.160 lượt người sang làm việc và 40 lượt người sang thăm thân nhân.