Ngày 24/9/2020, một nhóm nữ sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) đánh hội đồng bạn ngay trước cổng trường, trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác. Vụ ẩu đả chỉ dừng lại khi có người lớn can thiệp.
Vào lúc 17 giờ ngày 27/9, tại quảng trường phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên (An Giang), nhiều nhóm 5, 6 em học sinh chạy xe gắn máy tụ tập nhau. Sau đó đám đông lên tới hơn 40 em, thái độ rất hung hăng và thủ sẵn dao trong người. Rất may, một phụ huynh gần đó phát hiện đã kịp thời báo công an địa phương đến can thiệp.
Ngày 28/9, một nữ sinh lớp 10 ở Bến Tre bị bạn xé áo, nắm tóc, tát, đánh vào mặt… chưa kịp lắng xuống thì mạng xã hội lại dậy sóng khi hàng loạt vụ đánh nhau khác được tung lên mạng. Như vụ một học sinh lớp 9 ở Quảng Ninh bị đánh hội đồng phải nhập viện hồi tháng 10. Rồi liên tiếp hàng loạt video học sinh bị nhiều người đánh dã man ở Tây Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa... được tung lên mạng tháng 11. Đỉnh điểm là ngày 26/11, một nam sinh lớp 9 ở tỉnh Hà Nam đã xảy ra xô xát với bạn cùng trường khiến em này tử vong vì bị bạn đấm vào vùng đầu.
Thực tế trên đã báo động đỏ về tình trạng BLHĐ có nguy cơ gia tăng và hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Cần thấy rằng người tham gia đánh hội đồng và nạn nhân cùng là học sinh. Các em đang ở tuổi mới lớn, thích thể hiện cái tôi cá nhân và dễ bị kích động. Trong khi suy nghĩ chưa chín chắn, chỉ một va chạm nhỏ, cái liếc mắt hay lời nói vô tình cũng dễ nảy sinh mâu thuẫn. Để giải quyết mâu thuẫn, các em thường hành xử bằng nắm đấm, đánh nhau mà không lường được hậu quả khôn lường.
Để ngăn chặn nạn BLHĐ, vai trò của gia đình và nhà trường là hết sức quan trọng, bởi rất nhiều học sinh khi bị bạn đe dọa, thậm chí đánh đập đã không dám nói thật với gia đình vì sợ bị bố mẹ mắng. Do đó, bố mẹ cần làm bạn cùng con, lắng nghe tâm sự của con, giúp con hiểu gia đình là chỗ dựa tin cậy nhất. Có như vậy con mới sẵn sàng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và những băn khoăn, lo lắng với bố mẹ.
Theo các chuyên gia, để hạn chế BLHĐ, song song với việc dạy kiến thức, nhà trường cần tăng cường hơn nữa giáo dục đạo đức cho các em. Dạy các em sống có ý thức, trách nhiệm, biết yêu thương và sẻ chia. Nhà trường nên tăng cường công tác tuyên truyền để giúp các em nhận thức được hậu quả của nạn BLHĐ thông qua các buổi tuyên truyền, hoạt động ngoại khóa hoặc sinh hoạt dưới cờ. Bởi, thực tế cho thấy, hầu hết các em đều quan tâm đến những video đánh hội đồng trên mạng vì sự tò mò, xem cho vui, cho biết để bàn luận với bạn bè, chứ không hề biết hậu quả nghiêm trọng mà nạn nhân phải chịu đựng khi bị BLHĐ.
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ GD&ĐT với Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố, hiệu trưởng các trường học, vấn đề BLHĐ được đưa ra bàn luận thẳng thắn. Trong các giải pháp được nêu, căn bản nhất vẫn là chiếc kiềng 3 chân "nhà trường - gia đình và xã hội". Do vậy, cha mẹ phải quan tâm, giáo dục phẩm chất đạo đức cho con em ngay từ nhỏ, khi con chưa ngoan phải tìm cách phối hợp cùng nhà trường trong việc uốn nắn, dạy dỗ con, tránh việc phó mặc cho nhà trường. Bên cạnh đó, các tổ chức, ban, ngành, xã hội cùng nâng cao trách nhiệm, quản lý các kênh thông tin phim, ảnh, game, video có nội dung bạo lực, độc hại, thay vào đó là những câu chuyện, bài học về tấm gương sáng, nhân tố tích cực trong trường học, cộng đồng để các em noi theo.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, dư luận xã hội đã chỉ ra những thiếu sót của nhà trường, gia đình và xã hội nhưng lại quên mất đối tượng cần giáo dục là chính những học sinh gây BLHĐ, phải để các em chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Bởi, hiện nay chúng ta mới chỉ chú ý đến yếu tố giáo dục mà quên đi việc để các em phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, vì đây sẽ là biện pháp giáo dục mạnh và thiết thực đối với học sinh. Bởi "nhân cách là sản phẩm quan trọng nhất của giáo dục. Nhân cách không chỉ nghe và nói mà là sản phẩm nỗ lực của mỗi cá nhân".
"Về phía các bậc làm cha mẹ, chúng ta vẫn chỉ chú trọng về kinh tế, lo giảm nghèo mà chưa có biện pháp giáo dục trong gia đình. Nếu xây dựng một gia đình có giá trị yêu thương, hạnh phúc, chắc chắn các em sẽ ít va chạm hơn với bạo lực nói chung và BLHĐ nói riêng. Đối với nhà trường, ngoài dạy văn hóa, kỹ năng sống, cần dạy về giá trị sống, giá trị yêu thương, sự khoan dung… cho học sinh", TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.