Anh Đỗ Đình Tuấn, thôn Đồng Minh, xã Thanh Thủy, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) làm việc tại bộ phận đầm thùng tại Công ty TNHH MTV Thép Vas Nghi Sơn. Tháng 11/2019 không may xảy ra sự cố nổ khí ga, sức ép khí ga đã đẩy anh từ độ cao 2 mét rơi xuống mặt đất.
Vụ tai nạn lao động đã khiến anh Tuấn bị dập nát phần chân trụ từ đầu gối trở xuống, phải phẫu thuật để cắt bỏ. Bản thân phải chữa trị trong thời gian dài gần 5 tháng. BHXH cũng đã phối hợp với công ty và bệnh viện chi trả tiền viện phí, chăm nuôi.
Do đi lại khó khăn, mất sức lao động 55%, công ty lại đủ người nên không tiếp nhận anh đi làm trở lại mà thỏa thuận với gia đình hỗ trợ 150 triệu đồng để anh tìm công việc mới phù hợp.
Anh Tuấn chia sẻ: “Nếu trước đây là trụ cột gánh vác công việc trong gia đình thì hiện tại tôi chỉ có thể làm những việc nhẹ nhàng như trông con, quét dọn nhà, cơm nước để vợ đi làm kiếm tiền nuôi 2 con nhỏ. Không may sự cố xảy ra do tai nạn lao động nhưng mình tham gia đóng BHTNLĐ, BNN nên mỗi tháng được hưởng gần 1,2 triệu đồng. Số tiền đó có thể giúp gia đình, vợ con có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống”.
Cũng giống trường hợp anh Tuấn, với anh Chu Phi Hùng, ở phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) là công nhân thuộc phân xưởng sửa chữa của Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn. Đầu tháng 6/2021 trong quá trình tháo dỡ dây chuyền cũ của công ty, chẳng may bị sập băng chuyền khiến anh cùng một công nhân khác bị thương.
Do bị thương nặng nên phải chuyển cả 2 người ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu. Sau gần 6 tháng chữa trị, anh Hùng được công ty tạo điều kiện tiếp tục trở lại làm việc và hoàn tất thủ tục hưởng bảo hiểm TNLĐ-BNN. Tính từ tháng 1/2022, mỗi tháng anh Hùng được BHXH chi trả trợ cấp trên 807 nghìn đồng, cộng với tiền lương đã giúp cuộc sống của gia đình anh bớt khó khăn hơn.
Với hơn 100 người lao động làm việc tại công ty chuyên về chế biến nông sản xuất khẩu, anh Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến và Xuất khẩu nông sản việt (Vinapex) ở phường Long Anh, TP Thanh Hóa cho biết: “Chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN vừa là quy định nhưng cũng là chính sách tốt cho người lao động, là công cụ để bảo vệ quyền lợi người lao động khi xảy ra những tai nạn rủi ro ngoài ý muốn, chia sẻ gánh nặng giúp người lao động vượt qua khó khăn. Vì vậy, việc tham gia BHXH nói chung và bảo hiểm TNLĐ, BNN nói riêng là cần thiết cho người lao động. Hiện toàn bộ lao động trong công ty mình đều tham gia đóng để phòng ngừa rủi ro tai nạn trong quá trình làm việc. Người lao động nếu chẳng may bị tai TNLĐ, BNN qua giám định y khoa đủ điều kiện sẽ được bảo hiểm chi trả, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động yên tâm công tác…”- anh Quỳnh nói.
Theo thống kê từ BHXH tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm 2022 BHXH tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết chế độ trợ cấp TNLĐ-BNN hàng tháng cho 76 trường hợp với tổng số tiền hơn 79 triệu đồng; giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần cho 61 trường hợp với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng; trợ cấp chết do TNLĐ-BNN cho 19 trường hợp với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng; trợ cấp phí giám định y khoa cho 122 trường hợp với tổng số tiền 143.350.000 đồng. Quý 1 năm 2023 BHXH tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết chế độ trợ cấp TNLĐ-BNN hàng tháng cho 11 trường hợp với tổng số tiền hơn 11 triệu đồng; giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần cho 22 trường hợp với tổng số tiền hơn 483 triệu đồng; trợ cấp chết do TNLĐ-BNN cho 7 trường hợp với tổng số tiền hơn 375 triệu đồng; trợ cấp phí giám định y khoa cho 28 trường hợp với tổng số tiền 32,7 triệu đồng.