Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bình Dương: Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Để đào tạo nghề "trúng" nhu cầu doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu đào tạo một cách hiệu quả, sự liên kết và hợp tác chặt chẽ từ “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp” là rất cần thiết.

Đẩy mạnh việc hợp tác 3 nhà

Công tác giáo dục nghề nghiệp luôn là nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc lựa chọn nội dung, chương trình, hình thức đào tạo phù hợp với đối tượng người học bám sát thực tiễn, tích hợp học đi đôi với hành, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với một tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Bình Dương - nơi “tiêu thụ” các sản phẩm đào tạo từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bình Dương: Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp - 1
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp giới thiệu về các mô hình đào tạo nghề.

Vì vậy, hợp tác 3 nhà “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp” trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Việc trao đổi giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức xã hội nghề nghiệp về năng lực đào tạo, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp cần gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH cho biết, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với Sở Công Thương tiếp tục làm đầu mối kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo và giải quyết việc làm; nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác đào tạo với doanh nghiệp đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, các trường phải chủ động tìm doanh nghiệp để hợp tác, gắn kết quá trình đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của mình, quan tâm hơn về trang bị kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, thái độ cho người học. 

Ngoài ra, các trường phải xác định ngành nghề mũi nhọn; thu hút nguồn lực, huy động sự tham gia của xã hội trong thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Bình Dương: Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp - 2

Đảm bảo nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

Đại diện Sở LĐ-TB&XH cho biết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 3142/QĐ-UBND về phê duyệt “Đề án đảm bảo nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương” giai đoạn 2018-2020 và đến năm 2025;

Song song, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo Thông tư 05/2022/TT-BLĐTBXH về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp, chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; 

Đồng thời có nhiều hoạt động định hướng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường công tác đào tạo gắn kết với doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, khi tham gia hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, Sở LĐ-TB&XH đã trả lời và giải đáp thắc mắc, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong việc thiếu hụt lao động, trong đó có nguồn lao động kỹ thuật.

Bình Dương: Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp - 3
Tư vấn việc làm cho sinh viên.

Tính đến 30/11/2023, Bình Dương có 86 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: 6 trường cao đẳng, 1 phân hiệu cao đẳng đường sắt phía nam, 10 trường trung cấp và trung cấp nghề, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 51 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh được 31.280 người.

Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích thu hút đầu tư trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp như: Nhà nước cho thuê đất có thu tiền sử dụng đất với cơ chế thông thoáng; doanh nghiệp được thuê nhà xưởng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo theo vị trí việc làm cho công nhân, ngược lại nhà trường được thuê xưởng sản xuất của doanh nghiệp cho học sinh thực tập;

Miễn giảm thuế, ưu đãi tín dụng vay vốn để mở hoặc phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Công khai, đơn giản thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho thuê nhà ở, xưởng sản xuất được cải tạo để mở cơ sở đào tạo.

Bổ sung nguồn lực đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị theo ngành nghề và trình độ đào tạo, đảm bảo có đủ thiết bị theo danh mục tối thiểu quy định; đối với các nghề trọng điểm các cấp trình độ, thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo theo chuẩn đầu ra do cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương quy định.

Tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 nhà “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp” trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp gắn với thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương;

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững và tăng cường sự tham gia của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương, hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

Khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật.

Có chính sách hỗ trợ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học giáo dục nghề nghiệp (bao gồm hỗ trợ kinh phí, học phí văn hóa trung học phổ thông, học liên thông lên trình độ cao đẳng ở một số ngành nghề mũi nhọn, trọng điểm) phù hợp với điều kiện của địa phương và các quy định của pháp luật để góp phần thực hiện tốt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”.

Pha Lê

  Báo Lao động Xã hội số 49