Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết, tính đến ngày 8/12, toàn tỉnh có 37.000 lao động bị tạm hoãn hợp đồng và hơn 250.000 lao động bị cắt giảm giờ làm.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng của thị trường thế giới nên đơn hàng giảm, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, hoạt động cầm chừng với công suất giảm từ 30-50% so với trước, cắt giảm giờ làm của công nhân.
Cũng theo ông Phạm Văn Tuyên hiện các doanh nghiệp chỉ giảm giờ làm hoặc tạm hoãn công việc, chứ không phải mất việc làm hoàn toàn. “Một số công nhân gặp khó khăn đã về quê trước Tết, song vẫn nằm trong danh sách và kế hoạch của doanh nghiệp chờ việc, khi nhà máy có đơn hàng sẽ mời trở lại làm việc như trong đợt dịch COVID-19 năm 2021. Một số doanh nghiệp tuy bị giảm đơn hàng nhưng vẫn nỗ lực giữ chân lao động thông qua việc hỗ trợ lương, phụ cấp cho công nhân trong khi chờ việc”, ông Tuyên nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình hình thế giới là may mặc, gỗ, gốm sứ do “đứt gãy” đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Do đó, các doanh nghiệp đang rất áp lực khi vừa tìm đầu ra để duy trì sản xuất, vừa lo lương thưởng, trong khi đó việc vay vốn từ các ngân hàng gặp nhiều trở ngại.
Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương cho biết, hiệp hội có 56 doanh nghiệp với khoảng 200.000 lao động. Từ khó khăn trước mắt các doanh nghiệp cũng đã chia sẻ với người lao động để tìm tiếng nói chung, để tìm được sự thấu hiểu.
“Chúng tôi cũng mong rằng người lao động họ hiểu hơn sẽ tránh bạo động do bất mãn với doanh nghiệp. Về mặt doanh nghiệp, mặc dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong hiệp hội vẫn cố gắng làm cái gì đó cho người lao động. Tết năm nay, có thể không được như những năm trước nhưng cũng sẽ cố gắng hết sức để có một chút động viên tinh thần nhau vượt qua khó khăn", bà Trang cho hay.
Trong bối cảnh gặp khó khăn về kinh tế, để giúp công nhân đón Xuân mới ấm áp tại “thủ phủ” công nghiệp, những ngày qua, Sở LĐ-TB&XH cùng với Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương phối hợp Công đoàn các cấp lên kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động.
Đến nay, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã xây dựng xong kế hoạch tặng 82.810 suất quà cho người lao động, mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng, tổng kinh phí hơn 41 tỷ đồng trích từ ngân sách Công đoàn.
Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cũng tham mưu, đề xuất ủy ban nhân dân tỉnh và các huyện, thị, thành phố, dành nguồn kinh phí để tặng quà cho những công nhân khó khăn. Ngoài ra, liên đoàn có kế hoạch tặng 5.000 vé tàu khứ hồi cho đoàn viên, công nhân lao động tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc, tổng kinh phí ước tính 20 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết hiện các địa phương đang xây dựng chương trình phục vụ Tết ở các khu công nghiệp như: “Chợ Tết Công đoàn năm 2023”, “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” phục vụ công nhân; tặng phiếu mua hàng 0 đồng cho người lao động khó khăn... nhằm giúp những công nhân ở lại Bình Dương đón Tết có một mùa Xuân ấm áp.
Để chăm lo cho những người đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh, ngoài suất quà do Liên đoàn Lao động tỉnh trao tặng, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, lên danh sách công nhân khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động để thăm, tặng quà Tết. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo ngành tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối để tìm đơn hàng trong nước và các nước, từ đó góp phần ổn định việc làm cho người lao động.