Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Đoàn công tác do ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT dẫn đầu. Ông Trinh cho hay, quan điểm của bộ là xử lý nghiêm nếu phát hiện địa phương có gian lận trong kỳ thi.
Cũng theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, sai phạm có thể được phát hiện nhờ rà soát quy trình có chặt chẽ không. Yếu tố thứ hai là chấm hậu kiểm. Điều này cũng đã được đặt ra trong quy chế.
Quy chế nêu rõ nếu phát hiện bất thường, Bộ GD&ĐT có thể chấm thẩm định ở địa phương để phát hiện sai sót.
Trong quy định của Bộ GD&ĐT, việc thành lập hội đồng chấm thẩm định toàn bộ hoặc một phần số bài thi do Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng làm chủ tịch.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết khi nhận được thông tin điểm thi cao bất thường tại Hà Giang từ dư luận phản ánh, Bộ GD&ĐT đã chủ động có công văn gửi Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tại Hà Giang để rà soát quy trình.
“Nếu đúng địa phương này có sai phạm, sẽ nghiêm khắc xử lý theo quy định. Trong thực tế, làm được việc đó cũng rất khó khăn bởi tất cả quy trình của kỳ thi được thực hiện đảm bảo, từ tổ chức thi, không cho phép thí sinh nhìn bài nhau, đến chấm trắc nghiệm. Do đó, việc hỗ trợ nhau trong phòng thi cũng như hỗ trợ trong coi thi hầu như không có. Việc gian lận trong thi cử, Bộ đang cho rà soát, nếu có việc đó cũng dễ dàng phát hiện để xử lý”, ông Độ cho biết.
Trước đó, những bất thường trong điểm thi tại Hà Giang không chỉ thể hiện qua những con số như tỷ lệ điểm từ 8 của cụm thi Hà Giang gần gấp đôi tỷ lệ chung cả nước, 36 thí sinh tại Hà Giang đạt trên 27 điểm, bằng một nửa của cả nước. Trong khi đó, Hà Giang chỉ có 5.000 thí sinh, còn cả nước có một triệu sĩ tử.
Nghi vấn còn được đặt ra khi một số thí sinh ở Hà Giang có điểm số cao nhất nước, trước đó điểm thi thử rất thấp.