Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Biết trọng dụng cán bộ, "tài nhỏ" sẽ thành tài to

Thanh Nhung
Thanh Nhung

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khéo sử dụng cán bộ thì hiệu quả cao, và phải tạo điều kiện để cán bộ phát huy năng lực. "Biết sử dụng cán bộ khéo léo, thì tài năng "nhỏ" biến thành "tài to".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Biết trọng dụng cán bộ, "tài nhỏ" sẽ thành tài to - 1
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Biết trọng dụng cán bộ, "tài nhỏ" biến thành "tài to" (Ảnh: Tống Giáp).

Ngày 6/9, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Công đoàn Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội nghị đối thoại với đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động năm 2024. Đồng chí Đào Ngọc Dung, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tham dự và chủ trì Hội nghị.

Cùng tham dự Hội nghị có Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng; Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Lê Văn Hoạt; Chủ tịch Công đoàn Bộ Hoàng Thị Thu Huyền; lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ…

Hội nghị nhằm lắng nghe, trao đổi, làm rõ và giải đáp những ý kiến, đề xuất, kiến nghị cũng như tâm tư nguyện vọng của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ LĐ-TB&XH, góp phần xây dựng môi trường làm việc tích cực, thúc đây cá nhân, tập thể trong Bộ có thể hoàn thành hơn nữa các nhiệm vụ được giao. 

Đồng thời, đẩy mạnh phát huy tính dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Biết trọng dụng cán bộ, "tài nhỏ" sẽ thành tài to - 2
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị (Ảnh: Tống Giáp).

Khổ nhất là làm cán bộ ở đơn vị không dân chủ, vì nơi đó mất đoàn kết

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận: “Thời gian qua, việc phát huy tính dân chủ ở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cơ bản được thực hiện tốt. Đặc biệt là phát huy dân chủ giữa cấp ủy - chính quyền; dân chủ giữa người đứng đầu - tổ chức đoàn thể”.

Bộ trưởng cũng cho biết, tính dân chủ quan trọng nhất trên 3 khía cạnh, gồm: Dân chủ trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện công việc trong cơ quan, đơn vị; Dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ; Dân chủ trong đề xuất phát triển cán bộ.

Đối với dân chủ trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện công việc trong cơ quan, đơn vị, Bộ trưởng nêu, các cơ quan, đơn vị cần phát huy dân chủ, căn cứ theo năng lực, sở trường để phân công nhiệm vụ chính xác, phù hợp giúp phát huy tối đa khả năng, hiệu quả của cán bộ trong công việc. 

Ngược lại, nếu không công tâm, dân chủ, khách quan và không phân công đúng năng lực sẽ khiến cán bộ không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đánh giá về tầm quan trọng của dân chủ ở các cơ quan, đơn vị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhìn nhận: “Dân chủ là giải pháp tốt nhất nâng cao đoàn kết, thống nhất trong một cơ quan. Khổ nhất là làm cán bộ ở 1 đơn vị mất đoàn kết và không dân chủ, vì nơi đó cán bộ mất đoàn kết. Khổ lắm”.

"Nếu không dân chủ trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện chắc chắn cơ quan không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ”, ông nói thêm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Biết trọng dụng cán bộ, "tài nhỏ" sẽ thành tài to - 3
Tại Hội nghị, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ đã đóng góp 23 ý kiến, đề xuất, kiến nghị tới Lãnh đạo Bộ 

Sử dụng cán bộ theo tinh thần khách quan, công tâm

Về dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ, dẫn chứng lại tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đánh giá cán bộ và đổi mới công tác cán bộ với 6 nội dung, Bộ trưởng chia sẻ, các cơ quan, đơn vị cần vận dụng tính dân chủ, đưa nguyên tắc “hiểu và đánh giá đúng cán bộ” lên đầu.

Người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH lưu ý thêm, khéo sử dụng cán bộ, khéo dùng người thì hiệu quả cao, và phải tạo điều kiện, động viên khích lệ để cán bộ phát huy năng lực.

"Biết trọng dụng cán bộ, sử dụng cán bộ khéo léo, thì tài năng "nhỏ" biến thành "tài to", sử dụng không đúng sở trường sở đoản, tài to thành... tài nhỏ", cũng theo ông Dung, cần tạo điều kiện, khích lệ để cán bộ thể hiện, phát huy năng lực, tuy nhiên, các đơn vị dù tạo điều kiện cho cán bộ nhưng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát. 

“Với tinh thần “dụng nhân như dụng mộc”, các đơn vị phải khéo léo trong sử dụng cán bộ. Nếu cán bộ được sử dụng đúng chỗ, đúng với năng lực, hiệu quả sẽ cao và ngược lại”, ông nhấn mạnh.  

“Trong công tác cán bộ, phải hiểu rõ và đánh giá đúng cán bộ, để có thể sử dụng khách quan, công tâm. Nếu thiếu dân chủ, cơ quan sẽ rơi vào tình trạng rối loạn”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Lãnh đạo Bộ, tính dân chủ ở Bộ LĐ-TB&XH đã được thể hiện rõ nét trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức, chọn người có tài, có triển vọng, dân chủ, minh bạch, công khai.

Ông lưu ý các đơn vị chú trọng vai trò tiên phong, gương mẫu của lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, đồng thời yêu cầu các đơn vị cần xây dựng, hoàn chính Quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng Đề án việc làm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Biết trọng dụng cán bộ, "tài nhỏ" sẽ thành tài to - 4
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Tống Giáp).

“Chiến sĩ thi đua” chứ không phải "lãnh đạo thi đua"

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá, khen thưởng và nhắc nhở kịp thời, theo tinh thần khách quan và minh bạch, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ cần tập trung khen thưởng cho cán bộ cấp dưới nhiều hơn để khuyến khích tinh thần thi đua, theo đúng ý nghĩa “chiến sĩ thi đua” chứ không phải "lãnh đạo thi đua".

Các phong trào thi đua và hoạt động tập thể cần được tổ chức thường xuyên để phát huy sáng kiến, cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị, mỗi cấp ủy tổ chức Đảng quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo đơn vị cùng cấp để làm tốt hơn công tác phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp Đảng, đề xuất với Bộ về công tác quy hoạch, đào tạo, đề bạt, luân chuyển, bổ nhiệm, thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật và chính sách về công tác cán bộ bảo đảm công bằng, công minh. 

Công đoàn Bộ phải tiếp tục quan tâm, chăm lo quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, nhất là quyền lợi về chính trị, tinh thần.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hy vọng: “Thông qua Hội nghị đối thoại, tính dân chủ cơ sở trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ sẽ được thực hiện tốt và ngày càng tăng lên hơn nữa”.

Tại Hội nghị, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ đã đóng góp 23 ý kiến, đề xuất, kiến nghị tới Lãnh đạo Bộ (trong đó có: 18 ý kiến gửi thông qua Công đoàn Bộ; 5 ý kiến đóng góp trực tiếp).