Theo đó, giao các sở, ngành, đơn vị có liên quan tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, gia đình học sinh và cộng đồng về phòng, chống bạo lực học đường và phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường.
Nghiên cứu thiết lập các kênh tiếp nhận thông tin về bạo lực học đường như: Hộp thư góp ý, đường dây nóng..., nhằm chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về bạo lực học đường.
Ngoài ra, xem xét, xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan để bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật; kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh.
Đối với các vấn đề bạo lực học đường thu hút sự quan tâm, theo dõi của dư luận xã hội, người đứng đầu, người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn của cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ngay khi sự việc xảy ra và thường xuyên trong quá trình xử lý sự việc, để kịp thời định hướng dư luận và ổn định tình hình, việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí phải đúng thẩm quyền và các quy định hiện hành.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, phòng, chống bạo lực học đường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.