Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 1315/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”.

Thi đua đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và xây dựng mô hình công dân học tập; xây dựng văn hóa học tập.

Thi đua đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và xây dựng mô hình công dân học tập; xây dựng văn hóa học tập.

Để tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội, từ các cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội, đến các doanh nghiệp và người dân về sự cần thiết, vai trò, tác động, ích lợi của học tập suốt đời và những điều kiện xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội thuận lợi nhất cho người dân được tiếp cận bình đẳng với hệ thống giáo dục mở, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động Phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030" (Phong trào thi đua). Phong trào thi đua sẽ được triển khai rộng khắp trên mọi địa bàn dân cư.

Kế hoạch nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đặc biệt vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc chỉ đạo, triển khai Phong trào thi đua, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

Nội dung và hình thức thi đua thiết thực, hiệu quả nhằm bảo đảm công bằng xã hội về cơ hội học tập và bình đẳng xã hội về điều kiện học tập, bảo đảm mọi công dân đều được tiếp cận hệ thống giáo dục mở.

Nội dung phong trào thi đua

Theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, kết quả xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể nhân dân các cấp, trước hết là người đứng đầu.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và mỗi công dân cần tập trung vào các nội dung sau:

Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và hiệu quả của công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và mô hình học tập trong điều kiện nền kinh tế số, xã hội số; thi đua học tập suốt đời; phát huy sáng kiến, giải pháp khuyến khích và phát triển văn hóa học tập trong cộng đồng.

Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động của các thiết chế giáo dục chính quy và không chính quy, thiết chế văn hóa, các trung tâm học tập cộng đồng, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các đối tượng học tập suốt đời.

Triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp và tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong việc thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, hoàn thành các mục tiêu của Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030".

Thi đua nâng cao năng lực sử dụng các công nghệ học tập hiện đại, chuyển đổi số trong các hoạt động học tập suốt đời; nâng cao năng lực số và năng lực sử dụng ngoại ngữ cho người dân, thực hiện học tập mọi lúc, mọi nơi bằng mọi phương pháp để phục vụ cho công việc.

Thi đua đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và xây dựng mô hình công dân học tập; xây dựng văn hóa học tập.

Thi đua tiếp cận kịp thời các xu thế và kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực giáo dục người lớn, học tập suốt đời, học tập trực tuyến trong hệ thống giáo dục mở, học tập từ xa, tích cực tham gia thành phố học tập toàn cầu.

Tiêu chí thi đua

Về tiêu chí thi đua, đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

+ Xây dựng, ban hành các chính sách thu hút, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác xây dựng xã hội học tập; chính sách hỗ trợ người học có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật.

Xây dựng, triển khai có hiệu quả công tác xây dựng xã hội học tập; đề ra các nội dung, giải pháp sáng tạo, đặc thù, thiết thực, phù hợp với tình hình và điều kiện của địa phương.

+ Có nhiều giải pháp, sáng kiến hiệu quả trong triển khai thực hiện Phong trào thi đua.

+ Được công nhận "Cộng đồng học tập" cấp tỉnh theo tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Đối với cấp huyện:

+ Thực hiện đầy đủ các chính sách thúc đẩy khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập do trung ương và tỉnh ban hành. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

+ Có nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả trong triển khai thực hiện Phong trào thi đua.

+ Được công nhận "Cộng đồng học tập" cấp huyện theo tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Đối với cấp xã:

+ Thực hiện đầy đủ các chính sách thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập do tỉnh và huyện ban hành. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

+  Có nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả trong triển khai thực hiện Phong trào thi đua.

- Được công nhận "Cộng đồng học tập" cấp xã theo tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Đối với hộ gia đình, dòng họ:

+ Đạt danh hiệu "Gia đình học tập" và "Dòng họ học tập" theo tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam ban hành.

+ Có nhiều đóng góp về công sức, trí tuệ, vật chất xây dựng thôn bản, tổ dân phố trở thành "Cộng đồng học tập" trên địa bàn hành chính cấp xã.

Đối với các doanh nghiệp (tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã):

+ Có những đóng góp cụ thể, thiết thực trong công tác xây dựng xã hội học tập và được cấp có thẩm quyền ghi nhận.

+ Ban hành quy định cụ thể về việc học tập, bồi dưỡng thường xuyên cho công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị.

+ Có chế độ, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, kỹ sư, chuyên gia, nhân viên và công nhân kỹ thuật học tập nâng cao trình độ.

+ Các tổ chức trong doanh nghiệp được công nhận "Đơn vị học tập" theo tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Đối với cá nhân:

+ Được công nhận danh hiệu "Công dân học tập" theo tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam ban hành.

+ Có nhiều đóng góp về công sức, trí tuệ, vật chất xây dựng xã hội học tập ở địa phương/cơ quan, đơn vị.

Với đối tượng khác, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các hội, doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, các gia đình, cá nhân trong và ngoài nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài... có nhiều đóng góp về công sức, trí tuệ, vật chất xây dựng xã hội học tập ở địa phương.

Hình thức và tiêu chuẩn khen thưởng

Về hình thức và tiêu chuẩn khen thưởng, hằng năm, căn cứ kết quả thực hiện Phong trào thi đua của các tập thể, cá nhân, các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương biểu dương, khen thưởng kịp thời theo thẩm quyền các tập thể, hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu bằng hình thức phù hợp và theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Trong đợt sơ kết giai đoạn 2023 - 2025 và tổng kết giai đoạn 2023 - 2030, hình thức khen thưởng gồm: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương; Giấy khen.

Về tiêu chuẩn khen thưởng, căn cứ thành tích trong thực hiện Phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030" việc xét khen thưởng cho các tập thể, hộ gia đình và cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.