Xác định phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại là một trong những khâu đột phá để phát triển KT-XH của tỉnh. Những năm qua, Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng cho biết.
Những giải pháp tạo đột phá trong giải quyết việc làm
Điểm nổi bật trong 3 năm qua là Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá trong công tác GQVL, cùng với các chương trình kinh tế trọng điểm gắn việc chuyển dịch cơ cấu lao động và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể: Phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chú trọng khai thác, chế biến thủy hải sản; xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông các khu công nghiệp… góp phần GQVL mới cho hàng chục ngàn lao động.
Xác định công tác GQVL cho người lao động là vấn đề quan trọng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, giúp giảm nghèo nhanh và bền vững, trong nhiệm kỳ qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh luôn quan tâm tăng cường thu hút đầu tư, tạo nhiều việc làm mới; chỉ đạo nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường hoạt động tư vấn, kết nối giới thiệu việc làm...
Một trong những giải pháp được tỉnh Thanh Hóa triển khai hiệu quả: Thực hiện chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư phát triển cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, từ đó giúp giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân; phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp trên địa bàn.
Các đơn vị tiếp tục tạo ra đột phá trong công tác đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động và từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong các ngành kinh tế ở địa phương.
Thời gian qua, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực vào cuộc triển khai, rà soát, tư vấn, thực hiện các hoạt động hỗ trợ việc làm cho người lao động trên địa bàn.
Trong đó, các đơn vị tập trung vào các hoạt động chính như: Truyền thông, nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình; hỗ trợ phát triển thị trường lao động;
Hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện học nghề, tìm kiếm việc làm; vay vốn tạo việc làm từ quỹ quốc gia về việc làm; hỗ trợ đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài…
Trong những tháng đầu năm, Thanh Hóa có 1.464 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 6%. Các doanh nghiệp đã nộp ngân sách nhà nước 5.738,1 tỷ đồng, chiếm 41,8% tổng thu nội địa, tăng 12% so với cùng kỳ.
Với 1.058 doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm đã đưa Thanh Hóa đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ... 6 tháng đầu năm, tỉnh đã tạo việc làm mới cho 30.600 lao động (5.975 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 99,6% kế hoạch).
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa Vũ Thị Hương chia sẻ: “Với vai trò nòng cốt, Sở đã nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu về đào tạo việc làm để các địa phương xây dựng triển khai các hoạt động hỗ trợ; tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hoạt động truyền thông trọng tâm, trọng điểm hỗ trợ về việc làm.
Các đơn vị chức năng lồng ghép các chính sách tuyển dụng, thu hút lao động, thông tin thị trường lao động, đặc điểm và xu thế của thị trường lao động trong, ngoài nước, các thị trường lao động truyền thống, thị trường lao động mới và các chương trình xuất khẩu lao động…
Trên cơ sở đó, các địa phương căn cứ kế hoạch để xây dựng, ban hành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong thực hiện hoạt động hỗ trợ, giải quyết việc làm; đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động và nâng cao chất lượng đào tạo nghề”.
“Thanh Hóa đã tăng cường hiệu quả công tác quản lý, cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý lao động cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư, nhà thầu và người lao động.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tổ chức thông tin, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự đột phá về chất lượng hoạt động GDNN.
Cùng với đó, tích cực tham mưu triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh theo hướng mở, linh hoạt, hình thành mạng lưới có đủ năng lực đào tạo nhân lực các cấp trình độ trong GDNN”, bà Hương thông tin.
Năm 2023, toàn tỉnh tuyển sinh được hơn 60.000 người. Các cơ sở GDNN ngày càng được tăng cường để đáp ứng yêu cầu đào tạo; chỉ đạo tổ chức các hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn và ngày hội tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp với sự tham gia của hơn 6.000 lượt cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên tại các cơ sở GDNN.
Nắm bắt xu hướng phát triển của thị trường lao động, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến GDNN, trong đó tiến hành rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng tinh gọn, cơ cấu hợp lý và phát triển ổn định.
Theo thống kê, tỉnh có 66 cơ sở GDNN đang tuyển sinh và đào tạo 35 mã ngành, nghề cao đẳng; 49 mã ngành, nghề trung cấp và 16 ngành, nghề trọng điểm. Các cơ sở GDNN đã tích cực đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự đột phá về chất lượng dạy nghề, góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Đầu Thanh Tùng cho biết: “Chất lượng GDNN ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Ở nhiều nghề trọng điểm, kỹ năng nghề của lao động Thanh Hóa đã đạt chuẩn quốc gia và khu vực.
Lao động qua đào tạo nghề nghiệp có thể tham gia vào hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế và đảm nhận nhiều vị trí công việc phức tạp tại các doanh nghiệp. Cũng nhờ đó, cơ cấu lao động trong tỉnh có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Hiện nay, quy mô lao động của tỉnh ước đạt trên 2,41 triệu người.
Đây là tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước; đồng thời, đảm bảo cho người lao động tìm kiếm được việc làm”.
“Thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là việc phát triển lao động theo hướng hiện đại trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Thanh Hóa sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ..”, ông Tùng nhấn mạnh.
Được biết, năm 2024, Thanh Hóa phấn đấu giải quyết việc làm mới cho hơn 58.000 lao động, trong đó hơn 6.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống 2,65% và tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn còn 5,65%; chuyển dịch cơ cấu lao động nông - lâm - ngư nghiệp xuống 30,5%, công nghiệp - xây dựng lên 42,2% và dịch vụ lên 27,3%; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 74%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29,5%.
Gia Khánh
Báo Lao động Xã hội số đặc biệt Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6