Phát biểu khai mạc hội thảo, Nhà báo Hồ Quang Lợi, PCT Thương trực Hội Nhà báo nêu rõ: Tấm lợp fibro - xi măng trong đó có hợp chất Amiang. Amiang có những đặc tính vật lý đáp ứng được nhiều yêu cầu trong xây dựng công trình dân dụng, như tính chất hấp thụ âm thanh, độ bền kéo trung bình, cách nhiệt,cách điện và khả năng chống cháy, giá cả lại rẻ. Những đặc tính mong muốn này đã làm cho amiăng trở thành vật liệu được sử dụng rất rộng rãi từ thế kỷ 19.
Tuy nhiên, có những khuyến cáo nói rằng, hít phải các sợi amiăng có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng và gây tử vong, bao gồm ung thư phổi, u trung biểu mô,bụi phổi amiang. Có tài liệu ước tính hiện Amiăng gây ra 255.000 ca tử vong mỗi năm. Vì thế mà hoạt động thương mại và sử dụng amiăng đã bị hạn chế rất nhiều, bị loại bỏ hoặc bị cấm hoàn toàn ở một số quốc gia,bao gồm Liên mình Châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hồng Kông, Niu Di lân. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang phát triển vẫn sử dụng amiăng làm vật liệu xây dựng.
Cũng theo nhà báo Hồ Quang Lợi, Việt Nam chúng ta cũng đang đối mặt với nhiều loại vật liệu xây dựng chứa hợp chất độc hại này. Trong đó tấm lợp Fibro- xi măng đang có một khối lượng lớn hiện có trong mọi vùng miền đất nước, nhất là ơ các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.Thực hiện Quyết định 1469/ QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tại Khoản 4, Điều 1 Thủ tướng đã chỉ đạo: Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới chấm dứt việc sử dụng sợi amiăng trắng trong sản xuất vật liệu lợp.
Amiăng được sử dụng rất rộng rãi để sản xuất các vật liệu chống cháy, cách âm, cách nhiệt dùng trong xây dựng, đóng tàu biển, tàu ngầm, chế tạo vỏ bọc cho các thiết bị chịu nhiệt độ cao (nồi hơi, lò nung), các đường ống ngầm…10 năm trở lại đây, Việt Nam luôn đứng ở vị trí thứ 5 trong top 10 nước sử dụng amiăng, chất gây ung thư nhiều nhất thế giới.
Amiăng vẫn đang len lỏi, tồn tại khá phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Đây là thực trạng báo động…
Tại Việt Nam, từ những năm 1960, Amiăng đã được sử dụng để sản xuất tấm lợp fibro-ximăng và được xem như một loại chất lợp rẻ, bền và dễ sản xuất, sử dụng. Tuy nhiên, từ những năm 1980, tính độc hại và đặc biệt là khả năng gây ra một số dạng ung thư của Amiăng đã được phát hiện và cảnh báo. Amiăng trắng được khẳng định là có hại cho sức khỏe. Amiăng xâm nhập vào cơ thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp. Tiếp xúc với amiăng có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến phổi, ung thư biểu mô, thanh quản… Sử dụng vật liệu có chứa amiăng đang tồn tại phổ biến ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phillip Hazeton - Giám đốc Tổ chức Nhân dân về y tế, giáo dục và phát triển Hải ngoại Ô-xtrây-li-a (APHEDA) cho biết, ngoài khu vực châu Á, các quốc gia đều biết amiăng bị cấm trên toàn cầu. Việt Nam đã xây dựng lộ trình ngừng sử dụng amiăng vào năm 2023. Tuy nhiên, các nhóm lợi ích về vấn đề amiăng vẫn tìm mọi cách để đánh đổi sức khỏe dài hạn lấy lợi ích kinh tế ngắn hạn."Đây là thời điểm để hành động dừng sử dụng amiăng trắng bảo vệ sức khỏe của chính mình và con người. Hi vọng rằng, Việt Nam sẽ thúc đẩy lộ trình cấm sử dụng amiăng trắng trong lĩnh vực xây dựng để có những bước chuyển dịch tiếp theo tiến tới cấm sử dụng hoàn toàn amiăng trắng", ông Phillip Hazeton mong muốn.
Các báo cáo, tham luận và chia sẻ tại Hội thảo đã chỉ rõ tác hại của Amiăng trắng đối với sức khỏe của con người và các bệnh liên quan đến Amiăng (đặc biệt vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa). Đồng thời, cung cấp thông tin về các giải pháp thay thế, tình hình vận động ngừng sử dụng Amiang trắng ở Việt Nam và trên thế giới. Bên cạnh đó đã nâng cao nhận thức của người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về tác hại của Amiăng trắng tới sức khỏe, hướng bà con tới việc tìm hiểu các tấm lợp thay thế để giảm thiểu tác hại của Amiăng trắng. Khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp, mạnh thường quân tham gia hỗ trợ, ủng hộ bà con dân tộc thiểu số có điều kiện tốt hơn để tiếp cận, sử dụng các vật liệu thay thế này. Cần phải xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới chấm dứt việc sử dụng sợi amiăng trắng trong sản xuất vật liệu lợp.