1 chương trình học 2 nơi
TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ Điện Hà Nội cho biết, năm 2020, trường tuyển 140 học sinh (HS) hệ 9+. Dự kiến năm 2021, trường sẽ nâng chỉ tiêu HS tốt nghiệp THCS lên khoảng 400. Nhà trường đang liên kết với trung tâm Giáo dục từ xa (GDTX) huyện Ba Vì để dạy HS theo mô hình 9+ để các em vừa học văn hóa, vừa học nghề. Các giáo viên dạy văn hóa là của trung tâm GDTX. Sau khi hoàn thành chương trình, các em có quyền tham gia vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Tuy nhiên, theo quy định mới, việc liên kết, phối hợp dạy văn hóa của trường với trung tâm GDTX phải thực hiện dưới sự quản lý, kiểm soát của trung tâm.
Ông Đồng Văn Ngọc cho rằng, khi các trường có thể đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và quản trị được chất lượng đầu ra theo quy định, Bộ GD&ĐT nên tạo cơ chế, trao quyền cho các trường nghề được dạy văn hóa cho HS theo mô hình 9+. Ông Đồng Văn Ngọc lý giải, với đối tượng HS trường nghề, nhà trường sẽ tăng cường các môn văn hóa gắn liền với nghề nghiệp như Toán, Lý; các môn khác sẽ có thời lượng vừa đủ để thi tốt nghiệp THPT.
Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - GDNN) cho biết, "nút thắt" lớn nhất hiện nay chính là việc Bộ GD&ĐT chưa đưa ra được các văn bản để công nhận, chứng nhận khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho các đối tượng có nhu cầu học liên thông. Đồng thời, quyền hạn dạy, công nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa cần mở rộng đến các cơ sở GDNN đã đáp ứng đủ yêu cầu theo quy định của Bộ GDĐT, không thể để học sinh học 1 chương trình ở 2 nơi như hiện nay (trường nghề đào tạo nghề, trung tâm GDTX dạy văn hóa).
Xu hướng học nghề đang được nhiều phụ huynh và các bạn trẻ lựa chọn, định hướng. Do đó, học văn hóa trong trường nghề ra sao cũng là một mối quan tâm của nhiều gia đình. Một số học sinh xác định học nghề để làm "bàn đạp" lên các bậc học cao hơn. Nên việc liên thông kiến thức có thuận lợi hay không cũng là tiêu chí để chọn học nghề lập nghiệp. Vì thế cần giải quyết sớm vấn đề học song song nghề và văn hóa để người học có thể lựa chọn được nhiều hướng đi trên con đường học vấn và nghề nghiệp, không bị "chặn" bởi lý do không có bằng tốt nghiệp THPT.
Mòn mỏi chờ thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT
Ngay trong việc liên kết đào tạo chương trình 9+ giữa cơ sở GDNN với các trung tâm GDTX cũng đang tồn tại một nghịch lý. Đó là các cơ sở GDNN có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đủ năng lực để dạy văn hóa cho học sinh chương trình 9+. Còn nhiều Trung tâm GDTX có năng lực yếu, hoạt động kém hiệu quả; nhiều trung tâm có biên chế nhưng bỏ hoang không hoạt động hoặc lấy địa điểm cho đơn vị khác thuê; đội ngũ cán bộ, giáo viên tản mát đi làm việc khác…
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), Bộ GD&ĐT đang soạn thảo Thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN để thay thế cho Thông tư 16/2010TT-BGDĐT đang áp dụng. Tuy nhiên đã gần hết quí I/2021, Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành thông tư qui định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN; cũng như chưa đưa ra đề xuất cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người học GDNN có nhu cầu liên thông lên giáo dục đại học. Vì vậy, các cơ sở GDNN và người học vẫn phải mỏi mòn chờ đợi.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT qui định các cơ sở GDNN phải liên kết với các trung tâm GDTX. Văn bản số 2672/BGDĐT-GDTX ngày 20/6/2019 của Bộ GD&ĐT về việc "Tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động tại các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN - GDTX" qui định: "Đảm bảo việc thực hiện chương trình GDTX lấy bằng tốt nghiệp THPT phải do các trung tâm chủ trì thực hiện trong các khâu chọn, cử và phân công giáo viên giảng dạy, tổ chức thực hiện chương trình, kiểm tra, đánh giá và phê học bạ của học viên; địa điểm tổ chức lớp học có thể đặt tại trung tâm hoặc các cơ sở giáo dục liên kết".
Trong một lần trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội năm 2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Cuối năm 2020 sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn khối lượng kiến thức văn hóa trong các cơ sở GDNN.
Vậy không biết các cơ sở GDNN và người học phải chờ đến bao giờ?