Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Quân cho biết, việc quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp sẽ thực hiện theo lộ trình đang trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, những trường trong 3 năm tuyển sinh không hiệu quả, dưới 50% chỉ tiêu sẽ thuộc đối tượng tái cấu trúc.
Theo các chuyên gia kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực thấp là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến năng suất lao động thấp, kéo lùi sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển giáo dục nghề nghiệp từ đó tạo ra việc làm ổn định, bền vững cho người lao động là yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay.
Gọn bộ máy, giữ hiệu quả
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, cả nước có 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 397 trường cao đẳng, 555 trường trung cấp, đa phần là các trường công lập. Ngoài ra, toàn quốc còn có 600 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện. Trong 2 năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã rà soát, sắp xếp và quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Kết quả, đã giảm được 35 trường cao đẳng, 328 cơ sở nghề nghiệp ở các huyện theo phương châm tích hợp lại 3 trong 1 và 2 trong 1. Tức là 3 trung tâm giáo dục dạy nghề, giáo dục thường xuyên và giáo dục tổng hợp sẽ sáp nhập làm 1 hoặc 2, do đó bước đầu, bộ máy cũng tinh gọn hơn.
Năm 2018, nhiều trường nghề có kết quả tuyển sinh vượt trội
Gọn bộ máy, giữ hiệu quả
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho rằng, đây mới chỉ là kết quả ở bước một. Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang cùng với các địa phương rà soát lại theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 là những trường nào không tuyển sinh được, không đáp ứng yêu cầu trong thời gian 3 năm vừa qua thì mạnh dạn tổ chức lại, sắp xếp lại, cần thiết nếu trong trường hợp không đáp ứng được nữa có thể giải thể. Bên cạnh đó, trong việc tổ chức lại các trường trung cấp theo hướng trường địa phương, nhất là các địa phương ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, xu hướng là chỉ cần một trường cao đẳng, nhưng trong trường cao đẳng đó sẽ có cả hệ trung cấp, sơ cấp. Giải pháp này vừa giúp tinh gọn bộ máy, đồng thời đảm bảo hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Theo kế hoạch, có 3 giai đoạn tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, đến năm 2021, giảm 10% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, 10% biên chế, 10% cơ sở tự chủ. Đến năm 2025, con số này là 20%, năm 2030 là 40%. Quyết tâm của Bộ LĐ-TB&XH là đến năm 2021 sẽ đạt chỉ tiêu của năm 2030 và quan trọng hơn là nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Không chạy theo thành tích
Vậy sắp xếp lại các trường nghề thế nào cho hiệu quả? Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho rằng, xét đến cùng, việc sắp xếp lại hệ thống các trường nghề phải hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo, chứ không chạy theo thành tích cắt giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp.
Hiện nay, giáo dục nghề nghiệp đang có nhiều khởi sắc. Nhiều trường nghề hoạt động hiệu quả và có chất lượng. Nhìn tổng thể, quy mô các trường nghề có xu hướng tăng, mức độ hài lòng của người học và doanh nghiệp được cải thiện. Kết quả tuyển sinh trung cấp trong những năm gần đây có xu hướng tăng, cụ thể năm 2016 là 290.231 học sinh, năm 2017 là 310.000 học sinh, năm 2018 ước khoảng 320.000 học sinh, trong đó có khoảng 85-90% là học sinh tốt nghiệp THCS.
Tuy nhiên, dạy nghề chỉ có cơ hội phát triển khi gắn với việc cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn. Trên thế giới, tỷ lệ phân luồng vào học nghề của các quốc gia rất cao. Tại hầu hết các nước, tỷ lệ học sinh vào học nghề luôn đạt hơn 50%. Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 30% học sinh vào học nghề. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh vào học nghề những năm qua còn thấp. Phân tích hệ luỵ từ sai lầm trong câu chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” các nhà nghiên cứu cho rằng trong một thời gian dài, giáo dục nước ta chạy theo khoa cử, chuộng bằng cấp. Dẫn đến hệ thống giáo dục thực hiện phân luồng và định hướng người học không đúng với yêu cầu phát triển thị trường lao động.
Để thay đổi nhận thức của xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho rằng, điều quan trọng là đào tạo phải có việc làm, mang lại thu nhập tốt cho cá nhân và gia đình. Bộ LĐ-TB&XH chủ trương thay đổi công tác đào tạo giáo dục nghề nghiệp từ đào tạo không theo dự báo, không theo nhu cầu sang đào tạo theo đặt hàng, theo nhu cầu và có dự báo. Ngay trong quý I-2018, Bộ LĐ-TB&XH đã thí điểm 10 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ký kết với 15 tập đoàn trong nước và quốc tế đã xác định đào tạo theo địa chỉ là 150.000 người trong thời gian 3 năm (2018-2020).
Đáng chú ý, trong đợt tuyển sinh năm 2018, có 26 trường cao đẳng, trung cấp, cam kết học sinh ra trường có việc làm. Nếu học xong không có việc làm, trường sẽ trả lại học phí. Do vậy, đến thời điểm này, các trường nghề có kết quả tuyển sinh vượt trội so với những năm trước. Trong khi nhiều đại học còn đang gặp khó trong tuyển sinh và chỉ xét tuyển học bạ, thì các trường nghề khối công nghệ, kỹ thuật, du lịch, dịch vụ có kết quả tuyển sinh rất tốt.
Đại học không phải ngưỡng cửa duy nhất dẫn đến thành công Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc Điều hành Navigos Search - Công ty Cổ phần Navigos Group Việt Nam cho biết, hiện nay, việc tư vấn định hướng nghề nghiệp chưa phổ biến tại Việt Nam. Có một thực tế là có nhiều người “chạy đua” vào THPT, thi đại học đơn giản để có tấm bằng mà không biết mình học để làm gì. “Chúng tôi luôn đánh giá cao những người chọn nghề sớm. Họ biết mình là ai, mình muốn gì và mình phải làm như thế nào. Nhiều người đến xin việc mà không hiểu rằng chúng tôi sẵn sàng trả lương cao cho một người biết làm việc chứ không cần những tấm bằng” - bà Nguyễn Phương Mai nói. Thầy Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho rằng, để so sánh năng lực của sinh viên cao đẳng ra trường với cử nhân thì theo ý kiến của doanh nghiệp sẽ khách quan nhất. Doanh nghiệp thích tuyển sinh viên cao đẳng vì các em có kỹ năng tốt hơn, ra trường vào doanh nghiệp là đã có thể tham gia sản xuất làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp, mang lại hiệu quả ngay. Đặc biệt các em có tinh thần, ý thức thái độ tốt hơn trong việc chấp hành các nội quy, quy định của doanh nghiệp, không đòi hỏi quá cao, ít khi “nhảy việc”… Ngược lại, các sinh viên đại học mới ra trường vì ít được học thực hành nên khi đi vào làm việc thường khó đáp ứng được yêu cầu và thường phải qua đào tạo lại, hay đòi hỏi cao về chế độ, về lương và các điều kiện làm việc, hay bỏ việc giữa chừng làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất chung của doanh nghiệp. Công tác đào tạo của nhà trường cho thấy, những sinh viên đỗ đại học, đã và đang vào học đại học chuyển sang học nghề ở trường có nhiều em rất thành công.
|