Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Chặng đường vượt qua bóng tối

“Truyền thông chính là nhịp cầu ngắn nhất giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung. Đây cũng là cách duy nhất giúp họ nói lên tiếng nói của mình để xóa đi những rào cản bất bình đẳng trong xã hội”, là chia sẻ của anh Hoàng Văn Lý, Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Anh Hoàng Văn Lý (ngoài cùng bên phải) trong lần tác nghiệp.

Anh Hoàng Văn Lý (ngoài cùng bên phải) trong lần tác nghiệp.

Tuổi thơ và bóng tối

Dưới nắng hè gay gắt, tôi tìm đến gặp anh Hoàng Văn Lý tại văn phòng Hội Người mù quận Hoàn Kiếm, tại số 95 phố Hàng Buồm. Căn phòng tuy nhỏ nhưng mọi thứ được sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp. Nở nụ cười niềm nở, mời tôi ngồi rồi anh tự tay pha cà phê. Nếu như không được biết trước, tôi nghĩ anh không phải là người khiếm thị (NKT), bởi mọi cử chỉ anh làm chẳng khác nào một người sáng mắt. Như đoán được suy nghĩ của tôi, anh cười nói: “Tôi đã quen mọi trật tự ở đây rồi nên không gặp khó những việc như thế này”.

Mùi cà phê thơm nức, vừa để ly cà phê về phía tôi, anh vừa kể: Anh sinh năm 1982, ở Phúc Thọ (Hà Nội), trong gia đình có bố bị bệnh đục thủy tinh thể nên anh và em trai khi sinh ra cũng bị ảnh hưởng từ bố. Từ đôi mắt trong trẻo, dần dần màng đục che phủ toàn bộ con ngươi. Mặc dù anh Lý được gia đình đưa đến nhiều bệnh viện chữa trị, song một mắt của anh bị hỏng vĩnh viễn. Mắt còn lại, cố gắng lắm cũng chỉ nhìn thấy hình khối mờ, ảo. Vậy là ba bố con anh đều phải trông nhờ ánh sáng từ đôi mắt của mẹ.

“Tuổi thơ của tôi là những tháng ngày vô cùng nghiệt ngã khi trước mắt mình là màn tối thăm thẳm. Năm 7 tuổi, theo sự giới thiệu của xã, tôi được ra Hà Nội học trường trẻ khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Cuộc sống xa gia đình, mọi thứ đều mới mẻ khi mà đôi mắt lại không thể “dẫn đường, chỉ lối”.

Lúc đó tâm trạng không ổn định khiến tôi bị trầm cảm một năm trời, người gầy yếu, suy dinh dưỡng nặng. Mỗi lần mẹ đến thăm, thương con đứt ruột, nhưng cũng chỉ biết động viên con cố gắng học tập, hòa nhập cùng thầy cô và các bạn. Bởi, nếu quay trở về nhà thì tôi mãi mãi là người khuyết tật, không có cơ hội để hòa nhập cộng đồng”, anh Lý kể trong sự xúc động.

Anh Hoàng Văn Lý bên chiếc máy tính quen thuộc.

Anh Hoàng Văn Lý bên chiếc máy tính quen thuộc.

Năm học đầu tiên anh phải ở lại lớp 1, dù về nhà bố mẹ không trách mắng, nhưng tự bản thân cảm thấy xấu hổ vì đi học lại không lên được lớp. Sau khi ý thức được bản thân, anh nỗ lực gấp nhiều lần và đã đạt điểm số cao trong học tập. Song hành với học văn hóa, anh học đàn bầu, ghi ta... và là thành viên tích cực trong đội văn nghệ của trường, anh thường xuyên tham gia các buổi biểu diễn, giao lưu âm nhạc tại các địa phương.

Năm lớp 4, anh Lý phát hiện mình có năng khiếu làm thơ, viết văn, truyện ngắn. Cứ trong đầu nghĩ gì thì viết đấy, từ cảnh vật đến các câu chuyện vui, buồn hằng ngày đều được anh viết ra giấy bằng chữ nổi rồi lại cất đi, thi thoảng lấy ra đọc nên không ai biết được năng khiếu đó của anh. Cho đến một lần, dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), trường yêu cầu làm bích báo, các bạn khác thì sưu tầm bài hát, bài thơ để chép lên báo tường, còn anh viết bài thơ thể hiện tình cảm của mình về các thầy, cô giáo. Từ đó, các thầy, cô, bạn bè mới biết đến năng khiếu của anh.

Nhớ lại bước tiến trong quá trình viết của mình, anh Lý kể: “Năm lớp 6, trong một dịp trại hè do các trường tổ chức dành cho học sinh ở Cung Thiếu nhi Hà Nội, trong đó có hoạt động thi sáng tác viết văn, thơ, tôi có bài tham gia, được Hội đồng giám khảo đánh giá là một trong những bài viết chất lượng và được đọc tại buổi lễ tổng kết. Năm 1998, tôi có bài đầu tiên được đăng ở báo Nhi Đồng và được trả nhuận bút 60 nghìn đồng. Đó là niềm vui bất ngờ và cũng là món quà tinh thần rất lớn đối với tôi”.

Học cấp III, việc viết báo của anh Lý lại tiến thêm một bước, đó là trường cho ra báo nội bộ, phát hành tháng một số. Khi ấy trong trường cũng nổi lên một vài bạn có khả năng viết, do vậy các thầy, cô tập trung lại để xây dựng thành ban biên tập, anh Lý là một trong những biên tập viên chính được giao phụ trách nội dung.

 

Từ đó, ước mơ cháy bỏng được làm báo chuyên nghiệp luôn được anh nung nấu và anh quyết tâm sẽ phải thi vào trường báo. Trong suốt những năm trung học phổ thông, các bài viết, thơ, truyện ngắn của anh đều đặn xuất hiện trên các báo: Nhi Đồng, Thiếu Niên Tiền Phong và cả trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam...

Ước mơ thành hiện thực

Mơ ước trở thành nhà báo để viết về những vấn đề của NKT đã trở thành hiện thực khi anh Lý thi đậu Khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

“Những năm học đại học với tôi gặp rất nhiều khó khăn, giáo trình dành cho NKT chưa có nên ngoài việc lên lớp nghe thầy, cô giảng tôi phải ghi âm và chép lại bằng chữ nổi. Giáo trình quan trọng tôi nhờ các bạn đọc  và ghi âm lại. 2 năm đầu đại học là khoảng thời gian rất khó khăn, tài liệu khi chuyển sang audio thì đã gần đến ngày thi, có những tài liệu còn không kịp nghe hết”, anh Lý chia sẻ.

Tuy vậy, anh Lý không nản mà vẫn cần mẫn, miệt mài học tập và hai lần anh nhận được học bổng. Đồng thời, anh tiếp tục viết bài gửi cộng tác một số cơ quan báo chí.

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá, anh Lý tham gia cộng tác viên với tạp chí Hòa Nhập. Và như một cơ duyên, anh đến với phát thanh và trở thành phóng viên, biên tập viên của chuyên mục “Chuyện đêm” trong chương trình “Thức cùng VOV” phát sóng trên VOV1, chương trình “Nâng niu từng ngày” phát trên kênh VOV sức khỏe.

Trong đó, chương trình “Niềm tin ánh sáng” là chương trình dành riêng cho NKT được phát sóng trên kênh VOV giao thông. Để có được sự tin tưởng của ban biên tập, anh Lý tự tìm tòi cách sử dụng phần mềm để dựng chương trình phát thanh, chủ động đề xuất đề tài và tự mình thực hiện. Anh trở thành người thầy đầu tiên truyền đạt kỹ năng làm báo cho các bạn trẻ tại Câu lạc bộ Báo chí tương lai dành cho những bạn trẻ khiếm thị đam mê làm báo.

Anh Hoàng Văn Lý cùng những người bạn.

Anh Hoàng Văn Lý cùng những người bạn.

Ấp ủ ước mơ từ trải nghiệm

Gần 15 năm gắn bó với nghề, anh Lý chưa một lần nản chí. Ngược lại, với công việc anh luôn chủ động trong mọi tình huống. Anh tâm sự: “Khi viết mang lại cho tôi sự hạnh phúc và động lực duy nhất để yêu nghề hơn, đó là những phản hồi tích cực của thính giả sau khi theo dõi các chương trình do tôi thực hiện. Điều quan trọng hơn, những bài viết của tôi đã mang hơi thở cuộc sống, được nói lên tiếng nói của những người cùng cảnh ngộ thông qua ngòi bút của mình, giúp họ tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng”.

Sống trong bóng tối, anh vẫn mỉm cười vì biết rằng thứ “ánh sáng” từ những tác phẩm báo chí do mình sản xuất đã và đang là “đôi mắt”, “đôi tai”, “đôi chân” cho những NKT.

Trải qua những năm tháng tác nghiệp, đúc rút được nhiều kinh nghiệm, anh Lý ấp ủ sẽ viết một cuốn sách về các kỹ năng cần có cho phóng viên khi tác nghiệp với những đối tượng dễ bị tổn thương, biết cách khai thác làm sao để đối tượng hợp tác, không có cảm giác bị miễn cưỡng.

“Tôi đã từng được biết những câu chuyện về việc phóng viên khi tác nghiệp với nhân vật là NKT, nhưng ngay từ đầu phóng viên lại không giải thích với nhân vật của mình về quy trình máy quay phim phải quay trung cảnh, cận cảnh như thế nào và mất thời gian bao lâu. Hoặc khi phỏng vấn NKT, phóng viên vô tình để cho nhân vật đứng im lặng rất lâu, trong khi máy móc lại đang lỉnh kỉnh chưa thể bắt đầu. Bởi, đối với NKT, họ rất sợ cảm giác im lặng và đứng giữa khoảng không như vậy. Vì điều đó gây ảnh hưởng đến tâm lý nhân vật, làm cho việc khai thác thông tin không được hiệu quả…”, anh Lý chia sẻ.

Tốt nghiệp cấp 3, anh Hoàng Văn Lý xin về sinh hoạt tại Hội người mù quận Hoàn Kiếm. Năm 2008, anh là Phó Chủ tịch hội, từ năm 2018 đến nay là Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm (TP. Hà Nội).