Soreti, người giúp việc quốc tịch Ethiopia sống tại Li Băng cho biết, cô cảm thấy may mắn khi còn sống. Cô không ở nhà khi Israel tấn công các tòa nhà trong khu phố ở thành phố Tyre hồi tháng 9. Cô và hàng chục lao động nhập cư khác từ châu Phi đã phải chuyển tới khu vực khác để lánh nạn sau vụ tấn công.
Soreti nằm trong khoảng 175.000 đến 200.000 người giúp việc nước ngoài đang sống tại Li Băng, phần lớn là phụ nữ. Theo báo cáo năm 2019 của Tổ chức Ân xá quốc tế, ít nhất 75% người giúp việc nhập cư tại Li Băng vào thời điểm đó là người Ethiopia.
Họ bắt đầu đến vào những năm 1980 sau khi nội chiến Li Băng kết thúc. Hầu hết đều nhận công việc lương thấp để gửi tiền về cho gia đình ở quê nhà.
Kể từ khi căng thẳng giữa Hezbollah và Israel leo thang hồi năm ngoái, Bộ Y tế Li Băng cho biết, ít nhất 1.900 người đã thiệt mạng do các cuộc không kích của Tel Aviv tính đến đầu tháng 10.
Hơn 1 triệu người đã phải di tản khỏi nơi sinh sống để tránh mưa bom, bão đạn, trong đó có rất nhiều người giúp việc châu Phi.
“Mọi người đều chạy trốn khỏi thành phố đến Beirut hoặc những nơi có người thân. Nhưng những người nhập cư không có nơi nào để đi, có người phải ngủ ngoài đường”, Soreti cho hay.
Tại Sidon, thành phố lớn thứ 3 của Li Băng, các trường học đã được chuyển đổi thành nơi trú ẩn tạm thời cho những người buộc phải rời bỏ nhà cửa. “Chúng tôi vẫn chưa bị ảnh hưởng quá nặng nề.
Các khu vực lân cận như Nabatieh và Ghazieh đã bị phá hủy. Chúng tôi vẫn ổn nhưng cảm thấy không an tâm khi ở lại. Tôi đã ở đây (kể từ khi Israel tấn công) vào năm 2006 và tình hình lúc này tồi tệ hơn nhiều", Wubayehu Negash, người giúp việc Ethiopia nói.
Các cuộc tấn công vào Li Băng diễn ra sau nhiều năm nước này chịu hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính đầu vào năm 2019. Đồng tiền của Li Băng đã mất tới 90% giá trị. Theo Liên hợp quốc, đến năm 2021, 3/4 người dân Li Băng sống dưới mức nghèo khổ.
Khi Covid-19 xuất hiện, cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn, hàng nghìn người lao động nước ngoài đã mất việc vì người chủ không còn tiền để trả lương. Nhiều người vẫn chọn ở lại để tìm kiếm cơ hội vì ở quê nhà, họ cũng không thể kiếm tiền.
Tuy nhiên, khi xung đột nổ ra, ngày càng nhiều người đã cân nhắc trở về quê hương. Trong bối cảnh chiến sự ngày càng trở nên khốc liệt, nhiều chuyến bay đã bị hủy khiến nỗ lực hồi hương của người lao động càng thêm thách thức. Tại một số khu vực, những nơi trú ẩn tạm thời chỉ dành để phục vụ người Li Băng.
Những người lao động nhập cư, đặc biệt là giúp việc, không được hưởng các chế độ bảo vệ theo luật lao động của Li Băng. Họ thường thiếu giấy tờ hợp lệ để có thể được vào trong các khu nhà tạm sau khi nơi ở của họ bị phá hủy.
Một số tổ chức nhân đạo đã tìm nơi ở và cung cấp nhu yếu phẩm cho những lao động nhập cư này.
Tsigereda Birhanu, người di cư Ethiopia và là nhân viên cứu trợ nhân đạo của tổ chức Egna Legna Besidet do người di cư Ethiopia điều hành cho biết: “Nơi trú ẩn là vấn đề lớn. Không có bất kỳ sự sắp xếp chính thức nào cho người di cư. Nếu không có những cá nhân tốt bụng, nhiều người sẽ phải ở ngoài đường. Mùa đông đang đến, thời tiết trở nên lạnh hơn".
Birhanu lo ngại, nhiều lao động nhập cư “mắc chứng lo âu và bệnh tim đang trở nên tồi tệ hơn vì các cuộc không kích”. Nhưng các tổ chức nhỏ như tổ chức của cô không thể cung cấp sự hỗ trợ đầy đủ cho tất cả mọi người. “Chúng tôi không có đủ phương tiện để đáp ứng nhu cầu. Chúng tôi cần thực phẩm, thuốc men, quần áo cho những người phải di tản và bị chấn thương”, cô nói.
Đức Hoàng (theo Al Jazeera)
Báo Lao động và Xã hội số 124