Bồi dưỡng cử nhân chuyên ngành khác làm giáo viên
Hai Thông tư 11, 12 về ban hành chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học, THCS, THPT cùng có hiệu lực từ ngày 22/5.
Theo đó, người có bằng cử nhân 1 trong 6 chuyên ngành Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ, có thể tham gia chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nếu muốn làm giáo viên tiểu học.
Họ sẽ được đào tạo 13 học phần bắt buộc tương đương 31 tín chỉ và chọn 2 học phần trong 7 học phần tự chọn tương đương 4 tín chỉ.
Hình thức tổ chức bồi dưỡng gồm bồi dưỡng trực tiếp kết hợp với bồi dưỡng trực tuyến. Học viên thực hiện trên 80% số tiết trên lớp và hoàn thành các nhiệm vụ học tập thì được tham dự đánh giá học phần.
Những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với một trong các môn học của cấp THCS, cấp THPT cũng có thể tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nếu có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS, THPT.
Người học phải trải qua khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm với khối học phần chung là 17 tín chỉ, gồm 15 tín chỉ bắt buộc và 2 tín chỉ lựa chọn. Khối học phần nhánh gồm 17 tín chỉ nhánh THCS và 17 tín chỉ nhánh THPT.
Quy định về dạy trực tuyến
Thông tư 09/2021 của Bộ GD&ĐT quy định về tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 16/5.
Theo đó, dạy học trực tuyến có mục đích hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục phổ thông giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình.
Ngoài ra, dạy học trực tuyến còn nhằm phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy, học, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, giúp các em học mọi lúc mọi nơi.
Nội dung dạy online phải đáp ứng mức độ, yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông. Nhà trường cần đảm bảo các điều kiện tối thiểu về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đội ngũ giáo viên, bảo mật thông tin.
Cũng theo Thông tư 09, giáo viên được tham gia tập huấn, bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng cần thiết về ứng dụng công nghệ thông tin và có năng lực để tổ chức các hoạt động dạy học trực tuyến.
Giáo viên có trách nhiệm dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trực tuyến của học sinh đúng kế hoạch của trường, tạo môi trường học tập thân thiện và tăng cường sự tương tác, kết nối thông tin với học sinh, phối hợp thường xuyên với phụ huynh học sinh trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến.
Giáo viên dạy học trực tuyến thực hiện các hoạt động chính như tổ chức giờ học trực tuyến để giảng bài và hướng dẫn học sinh học tập, giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, theo dõi, hỗ trợ học sinh khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến, tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của học sinh.
Thay chuẩn với giáo viên trung tâm GDTX
Quy chế về tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên ban hành kèm Thông tư 10/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 22/5. Trong đó, bộ có quy định mới về trình độ chuẩn của giáo viên trung tâm GDTX.
Cụ thể, giáo viên giảng dạy cấp THCS và THPT phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp như giáo viên phổ thông tương ứng từng cấp học.
Trong đó, theo Luật Giáo dục 2019, trình độ với giáo viên THCS là phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp.
Trước đây, giáo viên THCS chỉ cần có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng (điểm b khoản 1 Điều 25 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 01/2007/QĐ-BGDĐT).
Ngoài ra, theo quy chế mới, sổ sách của giáo viên trung tâm GDTX chỉ gồm 3 loại - kế hoạch bài học (giáo án), sổ theo dõi, đánh giá học viên, sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).
Trước đây, sổ sách giáo viên gồm 5 loại - sổ kế hoạch giảng dạy, giáo án, sổ dự giờ, sổ điểm cá nhân, sổ giáo viên chủ nhiệm lớp, sổ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.